Làm mẹ là một thiên chức vô cùng vĩ đại nhưng cũng là một công việc “full-time” đầy thử thách. Bên cạnh lo lắng về chỉ số phát triển như chiều cao, cân nặng của trẻ, mẹ cũng lo lắng khôn nguôi khi thấy con thường xuyên thức giấc, ngủ ít, khó ngủ, mơ ác mộng,… Vì mẹ biết rằng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của con.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ & các biện pháp chữa trị hiệu quả
Nhưng làm sao để biết rằng con mình gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ? Bài viết này sẽ chia sẻ dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn giấc ngủ và các biện pháp chữa trị hiệu quả, mẹ đừng bỏ qua nhé!
Contents
1. Trẻ ngủ bao nhiêu là đủ?
Đối với mọi lứa tuổi, giấc ngủ đều quan trọng vì đây là thời điểm hoạt động chính của não trong việc sửa chữa tổn thương cơ thể và củng cố trí nhớ. Nhịp sinh học thức – ngủ bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thứ 6 khi một đứa trẻ ra đời và phát triển đầy đủ khi trẻ được từ 3 đến 6 tháng.
Nhìn chung, một đứa trẻ sẽ dành 40% thời thơ ấu của mình cho việc đi ngủ. Giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhu cầu cho giấc ngủ lại có sự khác biệt. Sau đây là thời gian ngủ đủ đối với trẻ em theo từng độ tuổi.
1.1. Trẻ sơ sinh (0-3 tháng)
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ trong những tháng đầu đời xảy ra suốt ngày đêm và chu kỳ ngủ-thức của trẻ sẽ tương tác với nhu cầu bản năng, chẳng hạn như trẻ sẽ thức khi đói. Trẻ sơ sinh ngủ tổng cộng 10,5 đến 18 giờ mỗi ngày theo một lịch trình không nhất quán với tổng thời gian thức khoảng từ 1 đến 3h mỗi ngày.
Thời gian ngủ của trẻ cũng không là một con số cụ thể, nó có thể kéo dài từ một vài phút đến một vài giờ. Trong khi ngủ, trẻ thường co giật tay và chân, mỉm cười, mút tay,… Nhìn chung là có vẻ bồn chồn.
Trẻ sơ sinh thể hiện nhu cầu cần đi ngủ theo nhiều cách khác nhau. Một số bé sẽ tỏ ra khó chịu, la khóc, nhưng một số trẻ thì rất dễ dàng vào giấc.
1.2. Trẻ từ 4-11 tháng
Đến sáu tháng tuổi, việc cho ăn đêm thường không cần thiết nữa và nhiều đứa trẻ đã có thể ngủ suốt đêm. Thực tế, có khoảng 70-80 phần trăm trẻ có thể ngủ suốt đêm sẽ trước 9 tháng tuổi. Trẻ từ 4-11 tháng tuổi thường ngủ 9-12 giờ mỗi đêm và ngủ trưa từ 30 phút đến 2 giờ. Trẻ ngủ từ 1 đến 4 lần một ngày và số lần ngủ sẽ giảm lại ít hơn khi con được 1 tuổi.
1.3. Trẻ từ 1-2 tuổi
Trẻ trong độ tuổi 1-2 tuổi cần khoảng 11 – 14 giờ trong quỹ thời gian 24 giờ để đi ngủ. Khi trẻ được khoảng 18 tháng tuổi, thời gian ngủ trưa của con sẽ giảm chỉ còn 1 lần 1 ngày kéo dài khoảng 1 đến 3 giờ. Tuy vậy, ba mẹ nên lưu ý những giấc ngủ ngắn không nên xảy ra quá gần giờ đi ngủ vì chúng có thể trì hoãn giấc ngủ vào ban đêm.
1.4. Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)
Trẻ mẫu giáo thường ngủ 11-13 giờ mỗi đêm, trẻ thường ngủ từ khoảng 7h-9h tối và thức dậy vào lúc 6-8 giờ sáng. Trẻ trong độ tuổi này hầu hết vẫn còn giữ thói quen ngủ trưa nhưng đến 5 tuổi thì điều này không còn phổ biến nữa.
1.5. Trẻ tuổi đi học (6-13 tuổi)
Trẻ em từ 6 đến 13 tuổi cần 9-11 giờ ngủ. Đồng thời, nhu cầu dành cho thời gian học của con ở trường ngày càng tăng (ví dụ: làm bài tập về nhà, các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ,…).
Ngoài ra, trẻ em ở độ tuổi đi học còn bắt đầu dành thời gian cho các thiết bị điện tử như TV, máy tính, phương tiện truyền thông và Internet cũng như các thức uống có chứa caffeine như cafe.
Tất cả những điều vừa kể ra đều có thể dẫn đến khó ngủ, ác mộng và gây gián đoạn giấc ngủ. Đặc biệt, xem TV gần với giờ đi ngủ có liên quan đến chứng khó ngủ, lo lắng khi ngủ và ngủ ít giờ hơn
Vấn đề rối loạn giấc ngủ khá phổ biến ở độ tuổi này. Khó ngủ hoặc ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến thay đổi tính khí và một số vấn đề về rối loạn hành vi, nhận thức ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường.
2. Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở trẻ
2.1. Khó ngủ, giấc ngủ không liên tục
Có rất nhiều dấu hiệu rối loạn giấc ở ngủ trẻ từ nhẹ đến nghiêm trọng mà đôi khi ba mẹ có thể dễ dàng bỏ qua vì nghĩ rằng đó là điều phổ biến. Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ thường thấy nhất ở trẻ là con nằm trên giường nhưng rất khó để dỗ ngủ, trẻ không chịu nhắm mắt và liên tục đòi hỏi thứ này thứ kia. Trẻ ngủ không liên tục vào ban đêm.
2.2. Ác mộng liên tục
Cơn ác mộng xuất hiện trong giấc mơ là một điều hoàn toàn bình thường mà tất cả mọi người đều gặp ít nhất một lần trong đời. Nhưng nếu trẻ gặp ác mộng liên tục thì mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Ác mộng liên tục có thể khiến thần kinh trẻ căng thẳng dẫn đến nhiều bất ổn về tâm lý nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Việc mơ thấy ác mộng còn khiến nhiều đứa trẻ giật mình tỉnh giấc gây gián đoạn giấc ngủ liên tục và ảnh hưởng đến quá trình phát triển về mặt thể chất và trí tuệ của con.
2.3. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Tìm hiểu thêm: 11 phát hiện bất ngờ về giấc ngủ của cha mẹ đang nuôi con nhỏ
Các biểu hiện trẻ mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là khi trẻ bắt đầu vào giấc bình thường nhưng chỉ khoảng một đến hay giờ sau khi trẻ đi ngủ, con bắt đầu có biểu hiện sợ hãi, la hét trong mơ. Cơ thể căng thẳng biểu hiện ở tim đập mạnh, vã mồ hôi.
Hội chứng có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ, tuy vậy, đứa trẻ không hề tỉnh giấc trong toàn bộ quá trình đó mặc dù mắt vẫn mở. Khác với ác mộng, trẻ trải qua hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không nhớ gì về tình trạng đêm qua của mình.
2.4. Mộng du
Chứng mộng du hay còn gọi là chứng miên hành cũng là một trong những biểu hiện rối loạn giấc ngủ mà cha mẹ cần lưu ý. Trẻ mắc chứng mộng du thường đột nhiên choàng tỉnh giấc hoặc một số trẻ sẽ ngồi dậy trên giường nhìn vô hồn vào không trung. Ở một số trường hợp, trẻ còn thực hiện một số hành động vô thức như đi bộ, mặc quần áo.
Cơn miên hành thường xảy ra khoảng 1-2h sau khi ngủ. Mộng du có thể do sự chưa ổn định giữa chu kỳ ngủ-thức của não khiến một phần não vẫn còn thức trong khi cơ thể ngủ và thực hiện các hành động trong trạng thái vô thức.
2.5. Ngưng thở khi ngủ
Hội chứng rối loạn giấc ngủ này thường xảy ra đối với những đứa trẻ có vấn đề bẩm sinh như hầu họng hẹp, lưỡi to,… hoặc trẻ mắc bệnh béo phì, có vấn đề về trí não. Biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ là trẻ sẽ có vài giây ngưng thở hoàn toàn và tiếp tục thở rồi lại ngắt quãng.
Trong một số trường hợp cơ thể ngủ quá say, cơ chế bảo vệ của cơ thể phản ứng bằng cách khiến trẻ giật mình tỉnh giật. Về lâu dài, trẻ có thể bị thiếu ngủ và không có được giấc ngủ chất lượng. Bạn nên cho bác sĩ can thiệp càng sớm càng tốt.
2.6. Nói sảng
Trẻ có biểu hiện nói cười trong khi vẫn ngủ lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Đôi khi trẻ bị tỉnh giấc vào giữa đêm và trở mình nhiều lần.
2.7. Hội chứng Hypersomnia
Trẻ bị rối loạn nhịp sinh học dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày nhưng tỉnh táo vào ban đêm.
3. Các biện pháp cải thiện giấc ngủ tại nhà, giúp trẻ luôn ngủ đủ giấc
Bên cạnh tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên môn, mẹ có thể tham khảo một số biện pháp tự nhiên giúp cải thiện giấc ngủ cho trẻ tại nhà dưới đây:
3.1. Luyện tính nhất quán trong lịch thức ngủ
Tốt nhất là mẹ nên đặt trẻ xuống khi trẻ bắt đầu buồn ngủ. Bằng cách này, trẻ sẽ vào giấc nhanh hơn và học được cách tự ngủ. Để rèn thói quen ngủ của trẻ vào nếp bằng cách cho trẻ sơ sinh ngủ ít hơn vào ban ngày qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng, tiếng ồn và chơi nhiều hơn với chúng vào ban ngày. Khi buổi tối đến, môi trường ngủ có thể yên tĩnh và tối hơn để trẻ dễ dàng vào giấc.
3.2. Loại bỏ các thiết bị điện tử
Không nên đặt các thiết bị điện tử như TV, điện thoại, máy tính,… trong phòng ngủ để tránh làm trẻ bị xao lãng. Ánh sáng từ màn hình còn có thể ức chế hormone “gây buồn ngủ” Melatonin tiết ra, khiến cho trẻ trằn trọc khó ngủ.
Bên cạnh đó, mẹ nên giám sát việc xem tivi của con, hạn chế tuyệt đối các chương trình, phim ảnh, trò chơi,… mang yếu tố kinh dị, bạo lực để tránh tổn hại đến thần kinh yếu ớt của trẻ và gây ra một số rối loạn giấc ngủ đã liệt kê phía trên. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng các nội dung mang yếu tố bạo lực có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ theo hướng nó có thể làm lệch lạc về nhận thức và nhân cách của trẻ.
3.3. Dỗ dành trẻ
Các vấn đề xung quanh cuộc sống của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chẳng hạn những đứa trẻ vốn luôn gần gũi mẹ cha bỗng một ngày buộc phải ngủ riêng cảm thấy lo lắng, bất an và các cảm xúc tiêu cực này có thể đi theo trẻ vào giấc ngủ. Thay vì cố gắng buộc con đi ngủ, bạn nên dành một chút thời gian mỗi tối để lắng nghe tâm sự của con và ôm ấp thiên thần bé bỏng của mình.
Nếu trẻ chia sẻ nỗi sợ thường xuyên gặp ác mộng, bạn có thể kể câu chuyện rằng ngày còn bé mẹ cũng như thế nhưng ác mộng không thể làm hại con. Bên cạnh đó, bạn có thể trang trí phòng ngủ của bé theo sở thích của con để trẻ luôn cảm thấy hứng thú mỗi khi bước vào căn phòng.
>>>>>Xem thêm: Pate bao nhiêu calo? Ăn pate có béo không và những lưu ý khi ăn pate
——————————-
Bài viết đã đem đến nhiều kiến thức quan trọng về rối loạn giấc ngủ ở trẻ. Hy vọng qua bài viết này mẹ đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để giúp con luôn ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, nếu các rối loạn giấc ngủ này ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày của trẻ và không thuyên giảm theo thời gian hoặc chúng có thể gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho trẻ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nhé!