Cách viết thiệp cưới sao cho chuẩn nhất? Cách điền các thông tin sao cho phù hợp với từng đối tượng khách mời? Nếu vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây để chuẩn bị cho ngày thành hôn trọng đại.
Bạn đang đọc: Cách viết thiệp cưới chuẩn không cần chỉnh năm 2024
Contents
1. Cách viết thiệp cưới để hoàn thiện thông tin cơ bản
Không phải là lời mời bằng miệng hay một dòng tin nhắn điện thoại, thiệp hồng mới chính là cách các cặp đôi chính thức gửi lời mời tham dự hôn lễ đến người tham dự. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên nên có rất nhiều điều bỡ ngỡ và không phải ai cũng biết cách viết thiệp cưới.
1.1. Viết thông tin hai bên gia đình
Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nên chắc chắn phần thông tin trong thiệp mời đám cưới cũng muôn hình vạn trạng. Chính vì lý do này mà trước khi đặt làm thiệp, hai bên cha mẹ cần có sự thống nhất ngay từ đầu.
Thông tin trên thiệp cưới cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi tôn giáo, nếu gia đình theo đạo Thiên Chúa, trước quý danh sẽ phải thêm vào tên Thánh, đối với gia đình theo đạo Phật, một số người thường dùng pháp danh để điền vào tên cha/mẹ.
Thông tin gia đình hai bên phải được thống nhất kỹ trước khi làm thiệp cưới
1.2. Cách viết thiệp cưới nhà gái
Lễ Vu Quy chính là tên gọi của lễ cưới khi nó được tổ chức ở nhà cô dâu. Đa số lễ Vu Quy đều được tổ chức trước ngày rước dâu nếu hai bên gia đình cách xa nhau, một số tổ chức cùng một ngày nếu vị trí địa lý thuận lợi. Trong buổi lễ này, nhà gái đãi toàn bộ những bạn bè, đồng nghiệp, người thân của cô dâu và một số đại diện bên đàn trai.
Vì thế khi thiết kế thiệp cho khách mời nhà gái, trên thiệp cưới sẽ đề chữ “Lễ Vu Quy” và ghi rõ: “Trân trọng kính mời quan khách đến dự Lễ Vu Quy của con gái chúng tôi”.
Ngoài ra, tên bố mẹ cô dâu và tên cô dâu sẽ nằm phía bên trái, còn nhà trai nằm bên phải, nếu bố cục là trên dưới thì tên thông tin đàn gái nằm trên, thông tin đàn trai nằm dưới.
1.3. Cách viết thiệp cưới nhà trai
Lễ Thành Hôn là tên gọi của lễ cưới khi nó được tổ chức tại nhà trai và sẽ dùng để tiếp đãi bà con, dòng họ, hàng xóm, người thân, bạn bè của chú rể cũng như một số đại diện của nhà gái đến tham dự.
Vì thế mà trên đầu thiệp cưới gửi cho khách mời nhà trai, có dòng chữ “Lễ Thành Hôn” thay cho “ Lễ Vu Quy”. Đồng thời, lúc này, tên chú rể và ba mẹ chú rể sẽ được đặt nằm bên trái, nhà gái nằm bên phải, thay đổi bố cục trên dưới thì nhà trai sẽ nằm trên, nhà gái nằm dưới.
Thiệp cưới nhà trai dùng từ Lễ Thành Hôn
1.4. Cách viết thiệp cưới khi cha mất hoặc mẹ mất
Bên cạnh những gia đình có đầy đủ các đấng sinh thành thì cũng có gia đình đơn chiếc chỉ có cha hoặc mẹ hoặc không còn ai. Nếu ở trong tình huống đó thì phải đề những thông tin như thế nào mới phù hợp?
Trường hợp cha đã qua đời có 4 cách ghi:
- Ông (Tên Ba) (Đã mất/Cố phụ), Bà (Tên Mẹ)
- Bà (Tên Mẹ)
- Bà Quả Phụ (Tên Mẹ)
- Bà Quả Phụ (Tên Ba), Nhũ danh (Tên Mẹ)
Trường hợp mẹ đã qua đời có 2 cách ghi:
- Ông (Tên Ba), Bà (Tên Mẹ) (Đã mất/Cố mẫu)
- Ông (Tên Ba)
Trường hợp cả ba và mẹ đều qua đời có 4 cách ghi:
- Tên ba mẹ (Cố phụ, Cố mẫu)
- Tên ba mẹ (Đã mất)
- Song thân quá vãng (Tên ba, mẹ)
- Chủ hôn Ông/Bà (Tên)
Viết thiệp cưới cần phải nắm rõ thông tin về bố mẹ hai bên
1.5. Ghi thông tin cô dâu, chú rể
Thông tin về nhân vật chính của buổi lễ thành hôn là cô dâu và chú rể sẽ được trình bày theo những quy tắc nào?
- Nếu là con một trong gia đình, bên dưới tên sẽ ghi là Ái Nữ/Quý Nam
- Nếu là con trưởng, bên dưới sẽ ghi là Trưởng Nam/Trưởng Nữ
- Nếu là con thứ, bên dưới sẽ ghi thêm là Thứ Nam/Thứ Nữ
- Nếu là con út, bên dưới sẽ ghi là Út Nữ/Út Nam
- Trong trường hợp cô dâu hay chú rể theo đạo thì cần đặt tên Thánh trước quý danh
1.6. Thông tin về hôn lễ và tiệc mời khách
Nhiều người vẫn còn lầm tưởng giữa giờ tổ chức hôn lễ với thời gian tiếp đãi khách, do đó khi thiết kế mẫu thiệp cưới cặp đôi cần chú ý mà tách bạch hai thông tin này. Thường thời gian tổ chức những nghi lễ bắt buộc của lễ cưới sẽ đi cùng phần thông tin, trong khi thời gian và địa điểm tiệc sẽ đi chung với nhau và nằm ở phần cuối cùng.
Khách được mời đến tham gia tiệc cưới không chỉ là người địa phương mà còn có thể đến từ nhiều nơi khác, việc in những hướng dẫn đi đường trực tiếp lên thiệp mời cũng chính là cách mà nhiều cặp đôi hay áp dụng ngày nay.
Có thể áp dụng bản đồ vào việc chỉ dẫn đường đi đến nơi cử hành tiệc cưới ngay trên thiệp mời
2. Cách viết thiệp cưới phù hợp với từng đối tượng
Bên cạnh cách trình bày bố cục cũng như điền thông tin sao cho đúng, cách viết thiệp cưới sao cho phù hợp với từng đối tượng được mời đến trong bữa tiệc cũng rất đáng quan tâm.
2.1. Mời họ hàng hoặc bạn bè của cha mẹ
Thiệp cưới dùng để mời họ hàng tốt nhất là bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ hoặc tư vấn của bố mẹ để biết cách xưng hô và tên cho chính xác nhất. Nếu không rất dễ gây mắc lòng và bạn có thể bị trách cứ nếu ghi nhầm tên hoặc vai vế của khách.
Bên ngoài thiệp có thể ghi Kính mời: Bác XYZ, bên trong là Kính mời: Hai bác và gia đình, đặc biệt phải chú ý đến hoàn cảnh gia đình, nếu người mời mất chồng/vợ thì chỉ mời người còn sống, tránh ghi mời 2 bác.
Tìm hiểu thêm: Top 11+ studio cho thuê váy cưới đẹp nhất ở Quận 3
Nên dùng từ ngữ kính cẩn khi mời các bậc tiền bối
2.2. Mời bạn bè đồng nghiệp
Đối với bạn bè thì không cần quá câu nệ về mặt ngôn từ, thậm chí còn có thể sáng tạo thêm những mẫu câu vui nhộn tạo dấu ấn. Thông thường, cô dâu và chú rể sẽ xưng hô là “Bạn + Tên” và “Chúng tôi” hoặc “Chúng mình”.
Ví dụ, nếu là bạn thân chơi lâu năm, có thể viết “Thân mời bạn Thanh Tâm đến dự hôn lễ của chúng mình”. Nhưng nếu là đồng nghiệp thì nên dựa vào tuổi tác để xưng hô cho phù hợp hơn.
2.3. Mời sếp, cấp trên
Nếu cặp đôi có ý định mời sếp hay cấp trên của mình đến dự tiệc cưới, hãy tránh cách ghi và cách xưng hô dí dỏm như với bạn bè hay đồng nghiệp. Thay vào đó hãy sử dụng từ ngữ lịch sự để tỏ rõ sự trang trọng như Kính mời: Anh/Chị hay Gia đình Anh/chị …
Ngoài ra, cách gửi thiệp cũng không được hời hợt mà phải là bạn đưa đến tận tay sếp hay cấp trên, không quên kèm theo lời mời có nội dung đề cập rõ địa điểm và thời gian càng cụ thể càng tốt.
Thiệp cưới gửi sếp cần kèm theo thái độ lịch sự và nghiêm túc
2.4. Mời sui gia
Dù là ai chịu trách nhiệm viết thiệp thì trong trường hợp này vẫn phải hóa thân vào vai bố mẹ cô dâu chú rể mà mời sui gia bằng những câu trang trọng ví dụ như: Gia đình kính mời gia đình anh chị sui đến chia vui trong ngày trọng đại của con em chúng tôi!
2.5. Mời vợ chồng người có gia đình
Với những người đã lập gia đình, dù thông thường chỉ có một trong hai người đi dự tiệc, xong vẫn phải đề mời Anh/chị hay Vợ/chồng kèm theo tên của người chồng hoặc vợ hoặc tên của cả hai.
Ví dụ:
- Mời vợ chồng anh chị….đến tham dự lễ thành hôn của chúng em.
- Kính mời: Anh …, bên trong thì ghi Kính mời: Vợ chồng anh …
Nói chung phải tùy vào từng đối tượng gửi thiệp mà điền thông tin và dùng ngôn từ chuẩn xác
3. Thiệp cưới online
Gửi thiệp cưới bằng giấy đến tay khách mời có thể thực hiện được khi họ ở gần gia đình hoặc nơi làm việc của cặp đôi. Vậy đối với những người có cách biệt về mặt địa lý thì phải làm sao để tỏ rõ lòng thành khi mời họ dự đám cưới của mình? Trong trường hợp này, hãy tìm đến thiệp cưới online.
Tuy khá mới mẻ nhưng thiệp cưới online được rất nhiều người trẻ sử dụng, chỉ cần dùng máy tính và điền một vài thông tin cần thiết là đã có thể hoàn thành mẫu thiệp cưới của thời đại công nghệ 4.0. Một điểm lợi của thiệp cưới online chính là người mời có thể tùy ý điều chỉnh mẫu theo sở thích hoặc hợp tác với bên cung cấp dịch vụ.
>>>>>Xem thêm: Cách chọn đèn ngủ cho phòng vợ chồng mới cưới – 10 mẫu đèn siêu đẹp nên sở hữu
Ngày nay thiệp cưới online cũng là cách trang trọng để cặp đôi gửi lời mời chung vui đến khách ở xa
4. Kết luận
Trên đây là những chỉ dẫn cụ thể về cách viết thiệp cưới dành cho những bạn trẻ, mong rằng các bạn có thể áp dụng thành công để tỏ rõ lòng thành khi gửi cánh thiệp hồng đến với người thân, bạn bè, cấp trên hay sui gia của gia đình.
Nguồn: https://www.wikihow.com/Write-Wedding-Invitations