Thời lượng: 136 phút
Bạn đang đọc: Review phim Em và Trịnh – Giả trân và gãy cảm xúc
Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
Diễn viên: Alvin Lu, Hoàng Hà, Trần Lực
Quốc gia: Việt Nam
Thể loại: Lịch sử, Tâm lý
Khởi chiếu: 10/06/2022
Em và Trịnh có lẽ là bộ phim hot nhất những ngày qua với doanh thu siêu khủng và sự xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phim được đạo diễn bởi người cầm trịch của thảm họa Trạng Tí khiến Ghiền review khá đắn đo với những lời khen lên tận mây xanh dành cho Em và Trịnh. Tuy nhiên nhạc Trịnh đã trở thành một thứ gì đó cuốn hút biết bao thế hệ người Việt Nam nên dù chất lượng phim là ẩn số nhưng người xem vẫn ùn ùn ra rạp để thưởng thức. Hãy cùng Ghiền revew phim Em và Trịnh để kiểm chứng xem thử kỳ vọng của khán giả có được đáp ứng không các bạn nhé. Nào, chúng ta cùng bắt đầu thôi!
Cốt truyện: Em và Trịnh là câu chuyện kể về cuộc đời của cố nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn trong những mối tình với 5 nàng thơ xinh đẹp và có ảnh hưởng đến những sáng tác của ông. Thông qua lời kể của nhân vật chính với 2 độ tuổi khác nhau, khán giả sẽ lần lượt được chứng kiến những biến cố cuộc đời và thưởng thức những ca khúc bất hủ nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn!
Nhìn chung Em và Trịnh không phải là một bộ phim Việt có chất lượng tốt, thậm chí có thể đánh giá phim với điểm rất thấp vì mọi thứ trong phim đều hiện lên hai chữ giả trân to bự. Phim quá bám víu về hình tượng nhân vật chính và cố gắng dựng nên những thứ người ta hay nói về ông nhưng lại thiếu đi sự tự nhiên và chân thật cần có. Cách kể chuyện, chuyển cảnh và dựng phim thực sự rất tệ khiến cho mọi thứ trôi qua chóng vánh và không để lại bất cử cảm xúc nào cho khán giả. Hãy cùng Ghiền review phân tích sâu hơn những điểm mạnh và điểm yếu của Em và Trịnh để hiểu hơn về phim các bạn nha.
Điểm cộng:
Thực sự rất khó để tìm ra một điểm mạnh vượt trội của Em và Trịnh, tuy nhiên khán giả có thể sẽ đồng ý rằng dàn nữ của phim được tuyển chọn với ngoại hình rất ưa nhìn và tạo cảm giác đầy thiện cảm cho khán giả khi theo dõi. Sự thơ ngây trong trẻo của Dao Ánh do Hoàng Hà thể hiện và nét cuốn hút mà Bùi Lan Hương mang lại khi đảm nhiệm vai Khánh Ly quả thật là những nét chấm phá hiếm hoi của Em và Trịnh. Dù không có nhiều đất diễn nhưng nụ cười và ánh mắt của 2 diễn viên này cứ len lỏi vào trong tâm trí khán giả, khiến chúng ta cứ vấn vương và luyến lưu như chính cảm xúc của Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh vốn đã rất xuất sắc và mê hoặc người nghe nhưng không hiểu vì sao các bản nhạc của ông trong phim lại không mang đến được cảm giác đó. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng nhờ có những ca khúc này mà khán giả tỉnh giấc khỏi cơn ru ngủ của các nhà làm phim, đồng thời giúp phim sinh động và có sức sống hơn. Phần dàn dựng bối cảnh và trang phục của Em và Trịnh tương đối tốt, mang được hơi thở thời đại và tạo được không khí của mấy chục năm trước với độ chân thực khá ổn và hợp mắt người xem.
Một điểm cộng cuối cùng có thể nhắc đến khi nói về Em và Trịnh chính là cách quay phim và màu sắc của phim. Việc lựa chọn khung hình, chất màu và bố trí chủ thể đều tạo ra được cảm giác hoài cổ nên thơ và đậm chất trữ tình. Thành phố Đà Lạt, B’Lao hay Sài Gòn hiện lên trong mắt người xem đều có những nét riêng và chính nhờ những màu sắc khác biệt của bối cảnh mà người xem đỡ thấy nhàm chán và tẻ nhạt hơn rất nhiều.
Điểm trừ:
Quả thật nhìn nhận một cách khách quan thì Em và Trịnh có nhiều điểm trừ hơn điểm cộng. Dễ thấy và rõ ràng nhất chính là cốt truyện của phim quá yếu và thiếu liên kết. Người xem bị cuốn theo những dòng sự kiện của Trịnh Công Sơn mà không thực sự thấy sự thú vị ở những biến cố đó. Câu chuyện tình yêu trong phim trở nên rất nhạt nhòa và người xem không biết được thực sự tình cảm của Trịnh với Dao Ánh và các nàng thơ khác thực sự như thế nào. Tổng thể phim như một album dài 130 phút với nhiều MV chấp nối với nhau một cách thiếu chuyên nghiệp và ít cảm xúc.
Tìm hiểu thêm: Review phim Thang máy: Lòng vòng, nhàm chán và non tay
Em và Trịnh học cách kể chuyện theo hướng phi tuyến, đan xen giữa hiện tại và quá khứ nhưng cách triển khai thực hiện còn rất non tay nên khiến mạch phim thêm phần lộn xộn, rối rắm và khó hiểu đối với người xem. Phim lồng ghép những phân cảnh phim tài liệu để minh họa cho bối cảnh lịch sử đương thời nhưng tần suất lặp đi lặp lại quá nhiều, vô hình chung khiến phim trở nên nhàm chán, tréo ngoe và thiếu sức hút.
Điều mà Ghiền review tiếc nhất chính là nam chính ở cả độ tuổi trẻ và già đều không có được sự tự nhiên, chân thật và thần thái của Trịnh Công Sơn. Cảm giác xem Alvin Lu và Trần Lực diễn đều bị gượng ép quá mức, cộng thêm cách xây dựng nhân vật lỏng lẻo khiến người xem thiếu niềm tin và sự đồng cảm với Trịnh. Chuyện tình yêu của Trịnh và các nàng thơ là tâm điểm của bộ phim nhưng sự tương tác giữa các diễn viên lại không thể thuyết phục khán giả tin vào tình cảm mà họ dành cho nhau.
Một điểm gây khó chịu khác của Em và Trịnh chính là sự gượng ép trong cách phát âm giọng Huế. Nếu là người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng, chắc hẳn bạn sẽ không cảm nhận được cái chất Huế trong cách đài thoại của các diễn viên, đặc biệt về tốc độ và những từ địa phương chuyên dụng. Thông điệp về hòa bình, tình yêu, tình bạn và cuộc đời nhạc sĩ, ca sĩ được nêu lên một cách mờ nhạt, qua loa nên hành trang mà khán giả mang về sau khi xem xong phim chỉ là con số 0 tròn trĩnh mà thôi.
>>>>>Xem thêm: Review phim Don’t listen: Đừng nghe – Chậm chạp nhưng khá đáng sợ
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: Chưa đánh giá
Tóm lại, Em và Trịnh là một bộ phim có chất lượng trung bình của điện ảnh Việt Nam. Mặc dù có sự học tập, bắt chước điện ảnh quốc tế nhưng phim còn rất non tay trong các khâu cơ bản nhất, thậm chí có nhiều người sẽ đánh giá rằng phim chỉ ăn theo những câu chuyện truyền tai nhau về Trịnh Công Sơn để hút khách ra rạp. Ở một góc độ nào đó, Em và Trịnh giúp nhiều người hiểu hơn về Trịnh và các sáng tác của ông nhưng để phim đi sâu vào trong tâm trí người xem thì đó vẫn là một giấc mơ quá xa vời.!
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
5/5 – (2 bình chọn)
Post Views: 1.524