Kombucha là thức uống tốt cho sức khoẻ được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những ai trong giới “eat clean” chắc hẳn sẽ không còn xa lạ gì với món đồ uống này. Vậy Kombucha là gì? Có thể tự trồng được không và cách làm Kombucha như thế nào? Tất cả câu trả lời sẽ có trong bài viết ngay sau đây.
Bạn đang đọc: Kombucha là gì? Cách làm Kombucha đơn giản ngay tại nhà
Contents
1. Kombucha là gì?
Kombucha có nguồn gốc từ Mãn Châu, Trung Quốc. Sau khi những công dụng quý giá của loại đồ uống này được truyền đi, sự phổ biến của chúng đã lan ra khắp thế giới. Thực chất, Kombucha là tên gọi xuất phát từ Nhật Bản, còn ở Trung Quốc, chúng được biết đến với cái tên là nấm thuỷ sinh, nấm trường sinh hay thuỷ hoài sâm.
Về bản chất, Kombucha được tạo thành từ một loại trà được lên men nhờ con giống Scoby (viết tắt của cụm từ Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast, được tạo nên từ sự cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). Đây là tập hợp của rất nhiều loài sinh vật siêu nhỏ. Về hình dạng, Scoby rất giống với cao su, dày, hình tròn và có màu đục, mùi giống như giấm ăn.
Có một quá trình đặc biệt quan trọng trong quá trình ủ Kombucha là khiến cho đường bị nấm men phân huỷ sau đó chuyển thành các axit hữu cơ khác nhau và hợp chất khác. Đây được coi là giai đoạn quyết định đến chất lượng của Kombucha.
2. Công dụng của Kombucha
Không phải tự nhiên mà thức uống đặc biệt này lại được ưa chuộng đến vậy. Nếu bạn biết đến những công dụng sau đây của Kombucha thì rất có thể bạn sẽ phải trở thành “fan” của món đồ uống này ngay lập tức.
2.1. Kombucha hỗ trợ tiêu hoá
Thành phần của Kombucha có chứa rất nhiều hàm lượng Probiotic và enzyme. Đây đều là những lợi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp tiêu hoá dễ dàng hơn đồng thời chống lại các vi khuẩn có hại hoạt động và phát triển trong bộ máy tiêu hoá của cơ thể.
2.2. Bổ sung năng lượng dồi dào
Trong quá trình lên men của Kombucha, có một lượng sắt khá lớn đã được giải phóng. Chúng có tác dụng bổ sung năng lượng cho người dùng. Đồng thời, trong Kombucha còn có một lượng nhỏ caffeine và các loại vitamin nhóm B giúp cơ thể khỏe khoắn và tỉnh táo hơn.
2.3. Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Với khả năng kiểm soát các gốc tự do có trong cơ thể, Kombucha dễ dàng cân bằng hệ miễn dịch. Thêm vào đó, khi kết hợp thành phần men vi sinh trong Kombucha với trái cây còn cho công dụng đặc biệt trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
2.4. Giúp giảm cân, làm đẹp da
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Kombucha có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ trao đổi chất và giảm sản sinh chất béo. Điều này đồng nghĩa rằng Kombucha có tác dụng giúp giảm cân hiệu quả.
Bên cạnh đó, người ta còn khám phá ra trong Kombucha có chứa lượng lớn glucosamine – hoạt chất có khả năng tăng cường các vận hành sản sinh ra axit hyaluronic hoạt dịch. Axit này có công dụng trong việc duy trì collagen giúp làm đẹp da.
3. Cách làm Kombucha đơn giản ngay tại nhà
3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
Để có được một bình trà Kombucha đạt chuẩn chất lượng, bạn cần có những nguyên liệu và dụng cụ như sau:
- Trà xanh hoặc trà đen: 4gr tương đương với 2 gói trà túi lọc
- Đường trắng: 100gr
- Nước lọc: 1 lít
- Con giống Kombucha scoby: 1 con
- Bình thuỷ tinh miệng rộng: dung tích khoảng 3 – 5 lít
Tìm hiểu thêm: Áp dụng 13 cách ngủ khi không buồn ngủ
Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu:
- Chỉ nên sử dụng bình thuỷ tinh vì khi lên men sẽ tạo ra một lượng axit lớn. Bình nhựa hoặc bình kim loại có thể sẽ gây phản ứng hoá học và làm chết Kombucha, không tốt cho sức khỏe.
- Vệ sinh sạch sẽ, khử trùng tất cả các nguyên liệu dụng cụ trước khi bắt tay thực hiện
3.2. Các bước làm Kombucha tại nhà
- Bước 1: Đun sôi nước, thả gói trà vào ngâm từ 4 – 5 phút. Sau đó cho đường vào khuấy đều theo công thức 1 lít nước lọc + 4gr trà + 100gr đường trắng. Đợi đến khi trà nguội thì đổ vào bình thuỷ tinh.
- Bước 2: Rửa sạch tay, lau khô, sau đó đeo găng tay rửa sạch Scoby. Tuy nhiên, nếu nấm còn nhỏ, mỏng thì không nên rửa để tránh làm rách màng nấm.
- Bước 3: Thả nấm Scoby đã được vệ sinh sạch sẽ vào bình trà đã pha. Sau đó dừng một tấm vải thưa phủ lên miệng bình và buộc chặt lại. Việc này giúp đảm bảo côn trùng không thể xâm nhập đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn của men nấm không có không khí để trao đổi chất từ đó dễ lên men hơn.
- Bước 4: Đặt bình trà ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời
- Bước 5: Sau vài ngày bạn sẽ quan sát thấy nấm sẽ sản sinh thêm con và chúng sẽ nổi trên mặt nước. Đây là quá trình trà lên men và sắp tạo ra thành phẩm. Bên cạnh đó, sau khoảng 3 ngày, bạn lại kiểm tra để biết độ chua đã hợp khẩu vị chưa. Nếu thấy đã phù hợp thì dừng lại quá trình lên men.
- Bước 6: Chắt lấy nước cho vào chai để vào tủ lạnh dùng dần.
4. Những lưu ý khi làm Kombucha tại nhà
- Trong quá trình vận chuyển Scoby, bạn nên để vào hộp nhựa và có thêm nước mồi là trà đường để giúp chúng không bị chết.
- Khi mua về, nếu Kombucha còn mỏng thì nên để nuôi thêm một thời gian trước khi pha trà
- Pha trà theo sự phát triển của Scoby. Ví dụ, lần đầu pha với 1 lít nước, lần 2 pha với 1.5 lít nước
- Thời gian lên men không vượt quá 10 ngày
- Nước mồi sau khi sinh nấm phải đổ bỏ, không được dùng tiếp vì nước này dễ thiu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cả bình trà.
- Loại trà thích hợp: trà xanh, trà đen, trà mạn (trà búp khô Thái Nguyên), trà vàng.
- Không dùng các loại trà hoa quả như atiso, trà hoa cúc, trà đào, trà bá tước,…
5. Những lưu ý khi dùng Kombucha
Kombucha là món đồ uống thơm ngon, giàu dinh dưỡng, công dụng. Tuy nhiên, nếu không biết cách dùng hợp lý, Kombucha có thể gây ra những tác dụng phụ và mang đến những ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, dưới đây là những lưu ý nhất định phải biết để dùng Kombucha an toàn.
- Không dùng Kombucha khi thấy bị lên men quá mức
- Với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang bị tổn thương dạ dày, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú thì không nên sử dụng Kombucha
- Những người có vấn đề về tiêu hoá nên hạn chế hoặc không nên sử dụng
- Mỗi ngày chỉ uống khoảng 240 ml Kombucha
- Luôn đựng Kombucha trong chai thuỷ tinh
6. Hướng dẫn bảo quản Kombucha đúng cách
Sau khi đã lên men thành công, bạn cần bảo quản trà ở trong ngăn mát tủ lạnh ngay lập tức. Việc này sẽ làm ức chế quá trình lên men, lợi khuẩn có trong Kombucha sẽ buộc phải “ngủ đông” và chúng không thể tiếp tục lên men. Từ đó, bảo đảm độ chua của trà không thay đổi.
Lên men quá lâu sẽ khiến mùi Kombucha bị thay đổi và chua hơn. Vì thế, để Kombucha giữ nguyên vị chua nhẹ vốn có, thì nhiệt độ 0 – 4 độ C của tủ lạnh là nhiệt độ thích hợp.
>>>>>Xem thêm: Hội chứng Kleine-Levin – Hội chứng người đẹp ngủ là gì?
Trên đây là những chia sẻ về Kombucha và cách tự làm Kombucha đơn giản ngay tại nhà. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích với bạn và chúc bạn sẽ sớm có thành quả là thức uống Kombucha thơm ngon do chính tay mình chế biến.