Khủng hoảng tuổi lên 2 của bé chắc hẳn là cơn ác mộng với nhiều cha mẹ khi không có cách nào kìm hãm những cơn nổi loạn của con. Nhưng nếu biết cách xử lý và hành động khéo léo, cha mẹ sẽ chính là người giúp con bước qua giai đoạn khó khăn này.
Bạn đang đọc: Cách nhanh nhất để vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2 của bé
Contents
1. Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Theo các chuyên gia giáo dục, ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ cũng có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng với mức độ thể hiện khác nhau do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thay đổi liên tục.
Khủng hoảng tuổi lên 2 là chỉ giai đoạn tâm lý rõ rệt của trẻ có sự chuyển biến rõ rệt ở thời kỳ từ 18 tháng đến 3 tuổi khi trẻ thường xuyên ăn vạ, thích nói “không” với mọi thứ chúng không thích hay có xu hướng “bạo lực” như đấm đá, cào cấu… hoặc bỏ qua các quy định đã được cha mẹ đặt ra trước đó.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ là bởi giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, bé phát triển đầy đủ cả về về trí tuệ và thể chất. Bé bắt đầu học hỏi được nhiều thứ hơn:
- Học các kỹ năng vận động: tập đi, chạy nhảy, leo trèo
- Học kỹ năng giao tiếp để biểu đạt nhu cầu và tương tác với người khác
- Học cách nhận biết và thể hiện các trạng thái cảm xúc: muốn được yêu thương, thấu hiểu, muốn được tôn trọng.
- Học cách chia sẻ và hiểu khái niệm “của con”
- Học cách chờ đợi và hiểu khái niệm thời gian, các giới hạn
Đặc biệt, trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu muốn thể hiện những suy nghĩ của bản thân qua lời nói nhưng vốn từ lại hạn chế khiến nên khó diễn đạt được. Vì vậy, trẻ càng dễ bức bối, khó chịu, “khủng hoảng” với bản thân và với người khác.
Một ví dụ đơn giản như, bé nghĩ rằng mình có thể tự đổ sữa ra cốc nhưng tay và mắt phối hợp chưa linh hoạt làm sữa bị đổ hết ra ngoài. Hoặc bé khó chịu khi không biết làm gì để mẹ hiểu là bé muốn ăn cơm trộn canh.
Vậy mà mẹ cứ bắt bé ăn cơm khô rồi nổi cáu với khi bé lắc đầu và cố tìm cách nói với mẹ. Vậy là khủng hoảng tuổi lên 2 nổ ra! Tóm lại, bé muốn quá nhiều nhưng khả năng còn hạn chế, vậy nên xảy ra khủng hoảng.
2. Biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2
Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để cha mẹ biết khi nào trẻ đang trải qua khủng hoảng tuổi lên 2 hay có vấn đề về hành vi?
Một nghiên cứu trên các bé trong độ tuổi từ 3 – 6 tuổi được đăng tải trên trang Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy cha mẹ cần lưu tâm khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ thường xuyên xuất hiện các cơn giận dữ với số lượng 10 – 20 lần một ngày. Mỗi cơn giận kéo dài trung bình trên 25 phút.
- Trẻ cố gây thương tích cho bản thân hoặc cho người khác trong lúc tức giận
- Trẻ không thể tự bình tĩnh trở lại
Nếu trẻ đã trên 3 tuổi mà vẫn có những biểu hiện như trên hoặc cha mẹ cảm thấy hành vi của bé đang vượt quá phạm vi kiểm soát thì hãy tìm tới bác sĩ hoặc các chuyên gia để có hướng xử lý.
3. Thời gian xảy ra khủng hoảng tuổi lên 2
Các biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2 không phải sẽ xuất hiện ngay khi trẻ bước sang tuổi thứ 2, mà thường diễn ra từ 18 – 30 tháng tuổi và nó có thể kéo dài tới tận lúc trẻ 3 tuổi.
Khi lên 4 tuổi, hầu hết các bé đã có đủ sự phát triển về ngôn ngữ và vận động để biểu đạt bản thân, hiểu được và biết cách làm theo chỉ dẫn của cha mẹ nên khi trẻ lên 4 tuổi các biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2 dần biến mất.
Một nghiên cứu cho thấy có 20% trẻ 2 tuổi mỗi ngày có một lần nổi cơn tam bành. Con số này ở trẻ 4 tuổi giảm còn 10%.
4. Các nhanh nhất để cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2
Sau đây là một số biện pháp giúp bé và cha mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này:
4.1. Thấu hiểu và đồng cảm với bé
Trẻ nhỏ là một cá thể độc lập và cũng như mọi người, các con luôn muốn được thừa nhận, cư xử như “một người trưởng thành”. Vì vậy, bất cứ khi nào bé không vui hay bực bội… cũng cần người lớn thấu hiểu và đồng cảm.
Trước hành động ăn vạ, khóc lóc của con trẻ, nhiều cha mẹ phải công nhận rằng họ không giữ nổi bình tĩnh. Đó là lý do ở nhiều gia đình, phụ huynh thường quát mắng con trẻ “Không được, mẹ cấm nghe chưa!”, “Hơi tí là mè nheo, hư quá!”, … hay dùng roi để giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, với các con, tất cả những câu cấm đoán, ra lệnh đó chỉ khiến cảm giác khó chịu trong bé gia tăng. Trẻ sẽ càng ngang bướng, khó bảo, cảm thấy bức bối và có xu hướng bạo lực.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp dạy con kiểu Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Vì vậy, hãy học cách lắng nghe, quan sát những biểu hiện, lời nói của con để thấu hiểu vấn đề mà con gặp phải. Thay vì cấm đoán, hãy sử dụng những câu nói mang tính gợi mở như “Con muốn ăn cái kia hả?”, “Con bị đau chỗ nào phải không?”,…
Điều này giúp bé cảm thấy mình được tôn trọng, được cảm thông và gắn bó với cha mẹ hơn. Hơn nữa, cha mẹ giao tiếp với con như vậy sẽ cung cấp cho con vốn từ vựng để có thể tự diễn tả cảm xúc hoặc mong muốn, nhu cầu của mình.
4.2. Quan sát để ngăn chặn những cơn giận giữ của trẻ
Các chuyên gia về trẻ em cho rằng cha mẹ hoàn toàn có thể dự đoán các thời điểm trẻ kích động để xoa dịu tâm trạng và giúp bé lấy lại bình tĩnh trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2.
Người lớn cần đặc biệt quan sát từng hành động, cử chỉ và cảm xúc… của trẻ. Thông qua quan sát, cha mẹ có thể dự đoán được bé thường xuyên thay đổi cảm xúc, hành vi lúc nào và vì nguyên nhân gì.
Ví dụ như: Con rất dễ khóc lóc, tức giận vô cớ vì mệt mỏi. Hãy dành thời gian quan tâm tới con, lắng nghe con, an ủi, động viên, chăm sóc để bé vui vẻ khỏe mạnh trở lại.
4.3. Tạo điều kiện để trẻ có thể tự lập
Những câu nói “Con không được làm cái này…”, “Con phải làm cái kia…” không thể làm bé ngoan ngoãn, ngược lại càng làm cơn khủng hoảng tuổi lên 2 của con trở nên dữ dội hơn bởi trẻ có tính chống đối. Giai đoạn này, các con chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả nên luôn muốn làm theo ý mình.
Cha mẹ nên cho phép con tự do lựa chọn trong khuôn khổ hoặc có thể gợi ý cho trẻ một số lựa chọn đơn giản và phù hợp. Con có thể tự do lựa chọn món ăn mình thích, đồ vật muốn chơi…
Đồng thời, cha mẹ nên tạo mọi điều kiện để bé được tự lập. Bởi các nghiên cứu về trẻ đã chỉ ra rằng: Ở giai đoạn từ 18 đến 2 tuổi, trẻ đã có thể tự làm các việc đơn giản như: tự dùng tay lấy thức ăn, uống nước, nhặt đồ chơi, bóc vỏ trứng,… Khi được phép thực hiện công việc phù hợp với khả năng, các bé sẽ cảm thấy bản thân mình có ích và được tôn trọng.
>>>>>Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi mẹ nào cũng nên biết
Ngoài ra, có một số lưu ý nhỏ dưới đây, cha mẹ hãy chú ý nhé:
- Đừng lên lịch đi chơi hoặc hoạt động quan trọng vào những thời điểm mà bạn biết trẻ có khả năng tức giận nhiều nhất (thường vào gần giờ ngủ trưa hoặc giờ ăn).
- Thay vì cố gắng thuyết phục khi bé đang khóc lớn thì hãy chuyển sự chú ý của con sang hướng khác.
- Chuyển “không” thành “có” vào những lúc trẻ bướng bỉnh không nghe lời. Lúc bé đang ném bóng trong nhà, thay vì nói: “Con không được phép làm như vậy nghe không?”, cha mẹ hãy gợi ý với bé về việc chơi ở bên ngoài sân cho rộng rãi hơn.
- Trong giai đoạn mới tập đi, trẻ vẫn có thể ngủ trưa từ trong thời gian dài (1– 3 giờ mỗi ngày). Tuy nhiên, hãy cố gắng đừng để con chợp mắt khi gần đến giờ đi ngủ buổi tối nếu không tối đó bé sẽ rất khó ngủ.
- Hình phạt vẫn là điều cần thiết để con biết đúng sai. Những khi con có hành vi không đúng, bạn hãy bế bé đến một khu vực yên tĩnh và giúp con bình tĩnh lại.
Trên đây là những thông tin về khủng hoảng tuổi lên 2 mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh. Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ sẽ có thể cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này của các bé.
Nguồn tham khảo: https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/be-0-1-tuoi/khung-hoang-tuoi-len-2/