Vịt nấu chao là món ăn truyền thống trong nền ẩm thực Việt. Món ăn này thường xuất hiện trong những dịp sum vầy của hầu hết các gia đình, như: lễ tết, họp mặt, sinh nhật…
Bạn đang đọc: Bí quyết nấu món vịt nấu chao thơm ngon, đậm đà, không hôi mùi vịt
Vậy, nguyên nhân nào khiến vịt nấu chao trở thành món ăn “quốc dân” đến vậy?
Không chỉ thu hút người dùng nhờ mùi thơm nồng nàn, vịt nấu chao còn là món ăn có cách thức chế biến khá đơn giản và dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian cho các bà nội trợ. Cùng Bloggiamgia.edu.vn tìm hiểu bí quyết nấu món vịt nấu chao với 2 cách chế biến thật ngon để chiêu đãi gia đình và bạn bè trong các dịp lễ sắp tới nhé!
Contents
1. Cách chế biến 1
1.1 Nguyên liệu
Để đem đến hương vị đặc trưng của món vịt nấu chao, nguyên liệu chế biến phải được chuẩn bị đầy đủ.
Dưới đây là danh sách các nguyên liệu cần thiết, với khẩu phần cho bốn người ăn:
- Thịt vịt: 500 gram
- Khoai môn: 300 gram
- Chao: 130 gram
- Nước dừa tươi: 330 ml
- Rau muống: 200 gram
- Cải thìa: 200 gram
- Bún tươi: 500 gram
- Hành tím: 4 củ
- Gừng: 1 nhánh
- Sả: 4 nhánh
- Tỏi: 5 tép
- Dầu ăn: 5 muỗng canh
- Dầu màu điều: 3 muỗng canh
- Nước mắm: 1 muỗng canh
- Gia vị thông dụng (Muối/ hạt nêm/ tiêu xay)
- Dành cho người dùng ăn cay: Ớt bột 1 muỗng cà phê, ớt sa tế 1/2 muỗng cà phê
1.2 Cách thức chế biến
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Trước tiên là công đoạn sơ chế thịt vịt. Có rất nhiều cách sơ chế thịt vịt để khử bỏ mùi hôi mà bạn có thể tham khảo thêm ở phần lưu ý. Trong cách chế biến 1, thịt vịt được khử mùi bằng cách chà xát muối lên toàn bộ bề mặt. Tiếp đến, chặt thịt vịt thành các khúc nhỏ, và xếp ra rổ để thịt vịt được khô ráo.
Với khoai môn, sau khi gọt vỏ (lưu ý mang bao tay vì vỏ khoai môn thường gây ngứa cho da mẫn cảm), bạn rửa sạch và cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Tương tự với rau muống và cải thìa, sau khi nhặt rau, rửa sạch, bạn nên cắt khúc với chiều dài khoảng 2 lóng tay.
Sả nên được cắt bỏ các phần không dùng được như: lá, gốc, rễ và phần bẹ già. Sau đó, rửa và cắt sả thành từng khúc với chiều dài khoảng 4 cm (2 lóng tay).
Với tỏi, gừng, hành tím, sau khi bóc vỏ, bạn rửa sạch và băm nhỏ.
- Bước 2: Ướp thịt vịt nấu chao
Để pha hỗn hợp chao cùng các gia vị, bạn cần lấy 3 viên chao (tương đương 80 gram) nghiền nhuyễn với 2 muỗng canh nước chao.
Sau đó, cho vào hỗn hợp chao các nguyên liệu: một nửa phần hành tím băm, một nửa phần tỏi băm, gừng băm.
Sau khi trộn đều, bạn tiếp tục cho vào 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng cà phê ớt bột (cho người ăn cay), 1 muỗng canh nước mắm và 1 muỗng canh hạt nêm.
Trộn đều tất cả gia vị tạo thành một hỗn hợp chao với độ sệt vừa phải. Sau đó, cho thịt vịt vào hỗn hợp, trộn thịt vịt đều với hỗn hợp chao và để trong khoảng 1 giờ để thịt vịt thấm đậm đà gia vị.
- Bước 3: Chiên khoai môn
Cho 5 muỗng canh dầu ăn vào chảo chiên khoai môn. Bắc chảo lên bếp cho đến khi dầu nóng. Bỏ khoai môn vào chảo. Chỉnh lửa nhỏ và chiên khoai môn vàng đều trong khoảng 5 phút. Sau đó, để khoai môn ra chén cho ráo dầu.
- Bước 4: Chế biến món vịt nấu chao
Cho 3 muỗng canh dầu màu điều vào nồi. Bắc bếp cho đến khi dầu nóng lên, cho hết phần sả, tỏi, và hành tím còn lại vào nồi phi thơm.
Sau đó, cho thịt vào nồi và xào cho đến khi thịt săn lại trong khoảng 5 đến 7 phút.
Cho 330 ml nước dừa tươi và 200ml nước lọc vào nồi. Để bếp nấu thêm 15-20 phút để nước ngọt hơn và thịt vịt mềm hơn.
Cuối cùng, cho khoai môn vào nồi và nêm nếm lại với các gia vị như: hạt nệm, muối…
- Bước 5: Làm nước chấm
Lấy 2 viên chao (50 gram) hòa vào 4 muỗng canh nước chao. Nghiền nhuyễn và thêm nửa muỗng cà phê ớt sa tế, sau đó khuấy đều.
Vậy là đã hoàn thành món vịt nấu chao thơm ngon, bổ dưỡng rồi đấy! Cùng Bloggiamgia.edu.vn tìm hiểu công thức thứ 2 để chế biến món vịt nấu chao theo phong cách độc đáo và mới lạ hơn nhé!
Tìm hiểu thêm: 8 cách tẩy sơn trên quần áo hiệu quả nhất mà không làm hỏng quần áo
2. Cách chế biến 2
2.1 Nguyên liệu
- Thịt vịt: nửa con vịt
- Chao ớt: 400 gram (nửa hủ)
- Khoai môn: 300 gram
- Măng tươi: 200 gram
- Bún tươi: 200 gram
- Rau ăn kèm (cần nước, rau muống…): 200 gram
- Gừng: nửa củ gừng
- Tỏi: 3 tép tỏi
- Hành tím: 2 củ
- Rượu trắng: 2 muỗng canh
- Dầu ăn: 3 muỗng canh
- Gia vị thông dụng (Muối/đường/hạt nêm/bột ngọt/tiêu)
2.2 Cách thức chế biến
- Bước 1: Sơ chế thịt vịt
Cũng như cách 1, thịt vịt có thể được khử mùi bằng muối, gừng hoặc rượu. Bạn có thể dùng các nguyên liệu này để rửa, ngâm hoặc chà xát để khử mùi hôi của thịt vịt cũng như làm sạch nó.
Sau khi khử sạch mùi hôi, chặt thịt vịt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
- Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
Các nguyên liệu còn lại được sơ chế bằng cách bóc vỏ, rửa sạch, phơi ráo và cắt hoặc băm tương tự công thức 1.
Nguyên liệu mới trong công thức số 2 chính là măng. Măng tươi được sơ chế bằng cách rửa sạch, luộc sơ. Sau đó, bạn dùng dao cắt xuôi theo chiều dọc của măng với độ dày vừa phải, khoảng từ 0.5 cm đến 1 cm.
- Bước 3 & 4: Ướp thịt vịt và nấu chao
Hai bước này thực hiện lần lượt tương tự như ở công thức 1. Sau khi cho môn vào nồi và nấu khoảng 15 phút, bạn nên cho tiếp măng vào để hầm cũng như nêm nếm lại gia vị cho nồi vịt nấu chao. Cuối cùng là tắt bếp và đón chờ thành phẩm nhé!
3. Thành phẩm
Thành phẩm của món vịt nấu chao có màu sắc vô cùng bắt mắt. Màu vàng của nước chao cùng màu sắc chín đều của thịt vịt xen lẫn rau xanh, đem đến tính thu hút và thẩm mỹ cao.
Ở công thức thứ hai, vịt nấu chao còn được bổ sung thêm nguyên liệu măng tươi, càng làm tăng sắc độ hấp dẫn cho món ăn.
Món vịt nấu chao thường được dùng với bún tươi cùng nước chấm chao, đem đến hương vị khó cưỡng và không thể quên cho người dùng.
4. Lưu ý khi nấu món vịt nấu chao
Để có món vịt nấu chao ngon và hấp dẫn với hương vị trọn vẹn, người nấu nên chú ý một số điểm sau trong quá trình mua nguyên liệu và chế biến:
- Cách chọn thịt vịt ngon
Bạn nên chọn vịt xiêm hoặc vịt cỏ khi nấu món ăn này. Vịt xiêm và vịt cỏ thường có ít mỡ, nhiều thịt, không gây ngán cho người ăn cũng như làm hương vị món ăn hài hòa hơn. Không nên chọn thịt vịt nuôi vì chúng thường có nhiều mỡ, và thịt thường bị mềm, bị bũn.
Khi mua vịt, bạn nên chú ý đến phần ức vịt và da vịt. Với phần ức đầy đặn cùng lớp da vàng ươm, thịt vịt sẽ săn chắc và rất ngon.
- Cách khử mùi hôi của vịt
Mùi hôi vịt là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cũng như mùi vị của món ăn. Có nhiều cách để khử mùi hôi vịt một cách triệt để như: khử mùi với gừng, giấm, chanh, hoặc muối.
Ngoài ra, cắt bỏ phao câu vịt cũng được nhiều người áp dụng để khử mùi hôi thịt vịt.
- Các loại rau ăn kèm
>>>>>Xem thêm: TOP 10 sách hay về tư duy ít nhất phải đọc 1 lần trong đời
Rau muống và rau mồng tơi được đánh giá là hai loại rau ngon nhất để ăn kèm cùng món ăn này. Tuy nhiên, bạn có thể chọn rau theo sở thích cá nhân khi dùng chung với món vịt nấu chao.
Trên đây là các bí quyết nấu vịt nấu chao ngon, nhằm giúp các bà nội trợ đem đến những bữa ăn hấp dẫn cho gia đình và bạn bè. Tiếp tục theo dõi Bloggiamgia.edu.vn để đón đọc nhiều công thức nấu ăn bổ ích và mới lạ hơn nữa nhé!