Thời lượng: 30 phút/tập; 6 tập/season 1
Bạn đang đọc: Review và giải thích phim Ju-On: Origins – Đáng sợ từ sự khó hiểu?
Đạo diễn: Netflix
Diễn viên: Yoshiyoshi Arakawa, Yuina Kuroshima
Quốc gia: Hàn Quốc
Thể loại: Kinh dị, bí ẩn, giả tưởng
Khởi chiếu: 03/07/2020
Tuần vừa rồi, Netflix đã công chiếu phần phim bộ mang tên Ju-On: Origins trên nền tảng phim trực tuyến của mình khiến fan của dòng phim Ju-On và The Grudge (Lời nguyền) thực sự đứng ngồi không yên. Dòng phim kinh dị này đã được làm đi làm lại rất nhiều phần trên màn ảnh rộng nhưng đây là lần đầu tiên người xem sẽ được nghe kể về khởi nguồn của những lời nguyền ghê rợn ấy trên màn ảnh nhỏ. Nào hãy cùng Ghiền review và giải thích phim Ju-On: Origins xem có gì hấp dẫn và đáng sợ không nhé.
I. REVIEW PHIM
Cốt truyện: Câu chuyện của Ju-On: Origins bắt đầu từ năm 1988 khi nữ minh tinh Haruka lên sóng truyền hình để nói về những sự kiện khác thường xảy ra trong nhà của cô thời gian gần đây. Qua sự hỗ trợ của Yasuo – Chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng tâm linh, Haruka dần phát hiện ra nguyên nhân của những hiện tượng đáng sợ nêu trên bắt nguồn từ một ngôi nhà nằm ở ngoại ô Tokyo với rất nhiều đời chủ và các vụ án kinh hoàng liên tục diễn ra tại đây suốt nhiều năm nhưng ít ai để ý và nhớ đến. Điều kinh hoàng gì đang chờ Haruka và Yasuo tại ngôi nhà này? Xem phim để có câu trả lời các bạn nhé.
Đánh giá đầu tiên của Ghiền review với Ju-On: Origins đó chính là phim vừa dễ và vừa khó xem. Dễ là vì mùa 1 của phim chỉ có 6 tập, mỗi tập phim dài trung bình 30 phút nên dường như chỉ cần dành ra khoảng 3 tiếng là bạn đã có thể cày hết seri này rồi. Bên cạnh đó, độ kinh dị và các tình tiết hù dọa trong phim không nhiều với cường độ thấp nên bạn nào hơi yếu tim vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn các cảnh phim.
Tuy nhiên Ju-On: Origins cũng khá khó xem bởi vì phim có chứa rất nhiều tình tiết bạo lực, máu me, cưỡng hiếp và biến thái tương đối nặng đô, thậm chí có thể gây shock cho nhiều bạn không quen với phong cách làm phim của Nhật Bản. Đồng thời, phim cũng cố tình sắp xếp các nội dung chính theo trật tự phi tuyến (không theo thứ tự thời gian), đưa yếu tố vòng lặp vào phim và cài cắm nhiều tình tiết khó hiểu nhằm tạo ra sự bí ấn cho tác phẩm kinh dị này, từ đó vô hình chung khiến người xem bị quay cuồng trong mớ hỗn độn và chắc hẳn nhiều bạn xem xong phim sẽ ngơ ngác không biết điều gì đã xảy ra.
Xét về yếu tố giải trí, Ju-On: Origins chưa đáp ứng được kỳ vọng của khán giả bởi mạch phim được kể khá chậm rãi và lộn xộn nên rất dễ đưa khán giả đi vào giấc ngủ. Đặc biệt đối với những ai là fan của thương hiệu phim này thì có thể sẽ có đôi chút thất vọng vì thiếu đi nhiều đặc trưng mang đến sức hút của Ju-On. Tuy nhiên với người chưa xem nhiều tập phim Ju-On như mình, Ghiền review cảm thấy mùa 1 của seri nà đã khá thành công trong việc giải thích được căn nguyên của những lời nguyền trong ngôi nhà ma ám nổi tiếng trên.
Ngoài ra, nhìn sâu vào các tình tiết trong phim, bạn có thể thấy rằng Ju-On muốn phê phán những suy đồi về đạo đức ở Nhật Bản trong suốt 50 năm qua với rất nhiều vụ án ghê rợn đã xảy ra. Cưỡng hiếp, bắt nạt, ngoại tình, sĩ diễn, gian thương, giết người hàng loạt, chặt xác, ấu dâm,… đều được lột tả một cách trần trụi qua những vụ án giả tưởng cũng như những vụ án có thật được nhắc đến trong phim. Có lẽ ngôi nhà ma ám trong Ju-On chỉ là một hình ảnh ẩn dụ cho thời điểm mà con người trở nên sa ngã hoặc bộc lộ bản chất xấu xa vốn ẩn giấu thâm sâu trong mỗi con người.
Mùa 1 của Ju-On kết thúc chắc chắn vẫn để lại nhiều câu hỏi khiến người xem phải trăn trở suy nghĩ. Hy vọng rằng nếu như Netflix vẫn tiếp tục đầu tư làm phần 2 thì những thắc mắc ở phần 1 sẽ được giải đáp. Nhìn chung phim không quá hay, không quá ám ảnh nhưng cũng không quá dở, ít nhất là cũng có cái để cho khán giả phải tự mình xâu chuỗi lại các tinh tiết được nêu ra trong phim, từ đó cảm nhận phim hay hơn. So với các bộ phim kinh dị chiếu rạp gần đây, hiệu quả mà Ju-On mang đến cho người xem có vẻ vượt trội hơn nên mình chấm phần này 6.5/10 các bạn nhé.
Hình ảnh – âm thanh: Điểm mà Ghiền review ấn tượng nhất với Ju-On: Origins không phải là cốt truyện mà chính là phần hình ảnh của phim. Màu phim của seri này siêu đẹp, đậm chất vintage, trong đó nổi bật nhất là tông màu vàng và xanh, kết hợp với vẻ cổ điển, yên bình, thanh gọn của Nhật Bản, mang đến cho người xem những thước phim vô cùng nghệ thuật và mãn nhãn. Kỹ xảo của phim ở mức bình thường, không quá xuất sắc nhưng cũng không giả tạo nên bảo đảm được yếu tố hù dọa người xem. Tuy vậy phim không chú trọng dọa khán giả nên suốt 6 tập phim không có cảnh quay jump scared nào đâu nè.
Phần âm thanh của phim không đạt được hiệu quả như các bộ phim kinh dị cùng thể loại làm được. Hầu như nhạc phim và tiếng động của Ju-On: Origins không chủ đích để gây sợ hãi cho khán giả nên phần này của phim không được đầu tư và ít để lại được dấu ấn trong lòng người xem. Ghiền review cảm thấy phần hình ảnh và âm thanh của phim đẹp nhưng chưa hay nên mình chấm 7/10 nha.
Diễn xuất: Ju-On: Origins vẫn giữ được phong cách diễn đặc trưng của Nhật Bản đó chính là việc biểu cảm thái quá một vấn đề cũng như có những hành động hơi khác lạ so với cách ứng xử thông thường. Phim có rất nhiều diễn viên nhưng chủ yếu đều xoay quanh nhật vật Yasuo. Cái hay của nhân vật này là khiến người xem không biết ông ta là kẻ xấu hay người tốt cũng như những câu chuyện trong phim có phải được trích ra từ quyển sách ông ta viết hay không? Bù lại, các nữ diễn viên trong Ju-On: Origins thật sự rất đẹp, từ vai phụ cho đến vai chính và đây chính là một trong những yếu tố hút người xem kiên trì xem đến phút cuối cùng của phim. Ghiền review chấm phần diễn xuất 6.5/10 các bạn nhé.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 6.4/10 (1.271 đánh giá)
Tóm lại, Ju-On: Origins là một trải nghiệm kinh dị đáng thử nghiệm trên nền tảng Netflix trong bối cảnh ở ngoài rạp thiếu nguồn phim chất lượng để xem. Phim vừa dễ, vừa khó xem với rất nhiều chi tiết lộn xộn, bí ẩn và để lại nhiều câu hỏi cho khán giả sau khi xem xong. Có lẽ đây là một sự cố tình từ nhà sản xuất nhằm giúp cho lời nguyền sống lâu trong lòng khán giả hơn như chính đặc tính của nó vậy.
II. GIẢI THÍCH PHIM
Phần này mình sẽ kể lại nội dung của phim theo tuần tự thời gian và các vụ án có liên quan để giúp các bạn đỡ rối về câu chuyện của Ju-On: Origins. Nào, chúng ta cùng bắt đầu thôi nhé.
1. Khởi nguồn của lời nguyền trong Ju-On: Origins
Nếu đã xem Ju-On: Origins, chắc hẳn điều đầu tiên chúng ta quan tâm nhất đó chính là khởi nguồn của lời nguyền căn nhà ma ám là từ đâu và bắt đầu từ lúc nào phải không? Câu chuyện phim của chúng ta bắt nguồn từ năm 1988 nhưng thực chất mọi chuyện phải quay ngược lại cách đó 36 năm – năm 1952.
Theo đó, vào thời gian này một tên biến thái đã bắt cóc một cô gái trẻ và giam cầm cô ta trên gác xép căn nhà của mình. Hằng ngày hắn đánh đập và cưỡng hiếp cô ta và khiến cô mang thai. Một đêm nọ khi cô đang say giấc, tên biến thái đột nhiên đến gần giường, nằm đè lên cô và định dùng dao để sát hại cô gái trẻ ấy. Hai bên giằng co qua lại và cô vô tình kết liễu mạng sống của gã đàn ông xấu xa đã hạm hại cuộc đời mình. Chi tiết này được tái hiện lại trong tập 6 của phim khi mà Haruka vào phòng ngủ để chăm sóc cô vợ của gia đình mới dọn đến tại căn nhà ma ám ở.
Với việc sang chấn tâm lý do bị bạo hành và lạm dụng tình dục, cộng với việc vô tình sát hại người khác, cô gái rơi vào trầm cảm nhưng cô vẫn sinh ra đứa bé đang ở trong bụng mình. Tuy nhiên do ảnh hưởng về tinh thần và mất máu quá nhiều nên cô bị kiệt sức. Đêm cô sinh đứa bé ra, có một người lẻn vào nhà và cướp đi đứa con bé bỏng – điều quý giá sau cùng của cô gái tội nghiệp. Chính vì vậy khi trút hơi thở cuối cùng, cô gái ấy vẫn mang trong lòng đầy uất hận và linh hồn cô bị gắn chặt với ngôi nhà mà không thể siêu thoát. Cô đã trở thành một thế lực siêu nhiên (một hồn ma áo trắng xuất hiện xuyên suốt các tập phim)– thứ có thể lan truyền lời truyền cho những kẻ xấu xa hoặc yếu bóng vía phải chịu kết cục thê thảm như chính cô đã trải qua.
Mặc dù nội dung phim giải thích khởi nguồn của lời nguyền Ju-On như trên tuy nhiên phim cũng không quên lồng ghép rất nhiều vụ án oan khất có thật đã từng xảy ra ở Nhật Bản. Đơn cử như vụ án 3 nam sinh bắt cóc, tra tấn và cưỡng hiếp nhiều lần một cô gái 17 tuổi (Junko Furuta). Cuối cùng người ta phát hiện ra thi thể của cô trong một khối chứa 208 lít bê tông (tập 2).
Ngoài ra còn có các vụ án như vụ Bắc Kanto với việc hàng loạt bé gái tầm 4-5 tuổi bị mất tích và tìm thấy xác không lâu sau đó với dấu hiệu bị xâm hại tình dục. (tập 1). Hay vụ án tấn công bằng khí độc trên các tuyến tàu điện ngầm tại Tokyo vào năm 1995 khiến 12 người chết và hàng chục người thương vong (tập 4). Ở tập cuối của phim, chúng ta cũng được phim nhắc về vụ án hoa hồng của quỷ khi nam sinh 14 tuổi Azuma bắt chước cảnh phim Zodiac Killer và ra tay sát hại các bạn học sinh 10-11 tuổi rồi để nguyên thủ cấp của nạn nhân ngay trước cửa trường học.
Đây chính là tiếng nói của đoàn làm phim khi họ phẫn nộ với tội ác và bạo lực vẫn luôn diễn ra ở khắp Nhật Bản thời gian quá. Lời nguyền có thể bắt nguồn từ cái chết đầy tức tưởi của cô gái năm 1952 nêu trên tuy nhiên ở đất nước của Hoa Anh Đào này vẫn còn rất nhiều nạn nhân phải lìa xa cõi đời với những cục tức không ai có thể thấu đạt. Ngoài kia vẫn còn vô số lời nguyền đang chờ đợi những kẻ xấu xa ứng nghiệm.
Quay trở lại với nội dung phim, cần lưu ý rằng sau khi tên biến thái và cô gái chết, căn nhà được giao lại cho đại lý bất động sản địa phương. Do nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra ở đây nên dù là đất mặt tiền ở ngoại ô Tokyo, kích thước rộng rãi nhưng căn nhà vẫn được bán với giá siêu rẻ. Ông chủ của đại lý bất động sản chỉ quan tâm đến tiền nên không hề cảnh báo cho người mua nhà về những cái chết trong ngôi nhà ấy và có lẽ con ma nơi đây cũng tha chết cho ông vì ông chính là kẻ dẫn dụ thêm nhiều nạn nhân mới đến với nó.
2. Vụ án mất tích của nhà Yasuo năm 1960
Không biết giữa năm 1952 đến 1960 có xảy ra vụ án nào ở căn nhà ma ám nữa hay không nhưng trong phim chỉ kể đến vụ án mất tích đầy bí ẩn của gia đình nhà Yasuo – chuyên gia nghiên cứu tâm linh và là nhân vật chính của Ju-On: Origins. Toàn bộ câu chuyện của chúng ta được xem trong 6 tập phim đều là lời kể của Yasuo vì vậy có thể sẽ có những tình tiết hư cấu để làm cho câu chuyện thêm phần bí ẩn hơn.
Trở lại với dòng thời gian năm 1960. Yasuo lúc đó mới 5 tuổi, sống cùng cha và chị gái. Mẹ của cậu không được đề cập đến nhưng có vẻ như bà đã mất tích/ra đi đột ngột và điều này đến từ một phần lỗi của người cha. Ba cha con chuyển đến căn nhà ma ám tại Tokyo mà không để ý gì đến lịch sử nơi đây đơn giản bởi vì giá bán quá rẻ.
Trong một lần khám phá ngôi nhà, hai chị em Yasuo đã phát hiện lối đi lên gác xép. Vì tính tò mò, chị gái của Yasuo đã đi theo tiếng gọi của hồn ma cô gái bị bắt năm 1952. Có lẽ rằng ước vọng lớn nhất của cô bé là được gặp lại mẹ nên hồn ma đã đưa cô bé đi gặp mẹ mình ở nơi vĩnh hằng. Tuy nhiên, khi đáp ứng một lời thỉnh cầu thì đồng nghĩa hồn ma kia cũng sẽ ám lên một người khác. Trong trường hợp này, người bị ám chính là cha của Yasuo và điều này giải thích lý do vì sao cha của Yasuo bước đi thẫn thờ ngoài đường và sau đó bị thiêu cháy và tan biến một cách kỳ lạ vào hư vô.
Riêng đối với trường hợp của Yasuo, nhiều bạn vẫn thắc mắc tại sao nhân vật này không bị hồn ma áo trắng ám hay hãm hãi. Có nhiều cách lý giải khác nhau cho trường hợp này nhưng theo Ghiền review thì cậu bé Yasuo lúc ấy vẫn là một tờ giấy trắng, tâm hồn không có chút vẩn đục nên hồn ma áo trắng không ra tay hãm hại ngay. Thay vào đó, hồn ma đưa cho cậu con của cô ta để kiểm tra xem cậu bé có đưa đứa con chạy thoát khỏi cô hay không? Tuy nhiên cậu bé quá kinh hãi khi thấy đứa bé và vội thả nó xuống sàn. Đúng lúc đó một bóng đen xuất hiện, đập cửa kính và chạy đến cướp đứa bé chạy đi mất.
Lý giải cho bóng đen này có thể là hình ảnh ẩn dụ cho người đã cướp mất đứa con của cô gái tội nghiệp năm 1952 nhưng cũng có thể là một người khác mà tí xíu nữa ở mục 4, Ghiền review sẽ tiết lộ thêm. Trở lại với Yasuo, nhờ sự kinh hãi và lương thiện của mình mà Yasuo đã được tha chết nhưng những ký ức của cậu về ngôi nhà này đều mờ nhạt như thể bị một thế lực nào đó xóa bỏ mất. Vốn đã tiếp xúc với những hiện tượng siêu nhiên từ lúc còn nhỏ nên khi lớn lên, Yasuo đã đi theo con đường nghiên cứu tâm linh và chuyên viết về ngôi nhà ma ám như thể hồn ma áo trắng thôi thúc anh viết bài PR cho nó vậy.
3. Vụ án chồng chưa cưới của Haruka và vụ án Kiyomi năm 1988
1988 là năm bản lề của câu chuyện trong Ju-On: Origins với 2 vụ án ghê rợn xảy ra trong năm này. Đầu tiên chúng ta hãy đến với vụ chồng chưa cưới của Haruka. Anh là một nhân viên văn phòng bình thường nhưng quen được với ngôi sao điện ảnh lúc bấy giờ là Haruka. Anh muốn mua tặng cho người vợ sắp cưới của mình một ngôi nhà để 2 vợ chồng có thể sống chung nhưng với mức lương ít ỏi nên anh chỉ có thể tìm mua được những căn nhà giá rẻ và chẳng hiểu sao anh lại đi xem đúng căn nhà ma ám ở trên.
Tìm hiểu thêm: Review phim Cruella (2024): Trang phục đẹp không che nổi nội dung nhạt
Điểm đặc biệt ở chồng chưa cưới của Haruka đó là anh rất nhạy cảm với những thực thể siêu nhiên nên ngay khi bước vào căn nhà đó, anh đã cảm nhận được mùi âm khí và sự hiện diện của những oan hồn vất vưởng. Hồn ma áo trắng nhận thấy người đàn ông này có thể sẽ gây nguy hiểm cho mình nên đã gieo rắc lời nguyền lên anh và theo anh về nhà.
Chính vì vậy từ hôm đó, chồng chưa cưới của Haruka và chính Haruka (người tiếp xúc gần nhất với anh chàng này) đều cảm thấy trong nhà riêng của họ có sự xuất hiện của những âm thanh kỳ lạ. Haruka đã kể lại điều này cho một chương trình truyền hình về ma quỷ và ở đây cô đã gặp Yasuo. Sau chương trình ấy, những tiếng động kỳ quặc vẫn không biến mất nên chồng chưa cưới khuyên Haruka về căn hộ của anh ấy sống tạm cho đỡ sợ.
Chồng chưa cưới của Haruka càng ngày càng bị lời nguyền hành hạ, anh cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu xuất hiện nhiều ảo giác. Ít lâu sau người ta phát hiện anh ta đã chết trong tình trạng hoảng loạn với khuôn miệng mở rộng như thể có một vật thể/sinh vật nào đó chui vào miệng vậy. Mẹ của chàng trai này là một bà đồng và bà ta tin rằng cái chết của con trai mình chắc chắn liên quan đến ma quỷ nên bà nhất quyết hỏi rõ Haruka để tìm ra nguyên nhân. Haruka lúc này đang rất đau lòng và sợ hãi nên cũng chưa biết lý do mà hôn thê của mình ra đi.
Vụ án thứ 2 cũng xảy ra trong năm 1988 liên quan đến cô nữ sinh xinh đẹp Kiyomi. Là nữ sinh mới chuyển đến trường với cách ăn mặc và tóc tai khác lạ, cô bị những bạn nữ khác trong trường chú ý. Mẹ của Kiyomi rất lẳng lơ, thường xuyên qua lại với nhiều người đàn ông khác và đó cũng chính là lý do khiến cha cô bỏ đi. Thế nhưng bà ta lại đổ lỗi cho Kiyomi, cho rằng cô là người quyến rũ chồng mình và những người đàn ông khác. Chính vì vậy, Kiyomi cũng bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều khi sống với người mẹ như thế.
Trong một buổi đi học về, cô được 2 người bạn gái cùng lớp rủ đi xem mèo tại một ngôi nhà hoang gần đó. Vốn là một người yêu mèo và cũng mong muốn kết bạn với những người mới, Kiyomi đã đồng ý đi. Trên đường đi họ gặp Katsuji – người yêu của một trong 2 cô gái rủ Kiyomi đi xem mèo. 4 người tìm cách đột nhập vào ngôi nhà hoang mà không hề hay biết rằng đây là căn nhà ma ám.
Vì ghen ghét nhan sắc của Kiyomi, 2 cô gái kia đã lập kế hoạch để “chơi” cô gái tội nghiệp này. Khi vào trong căn nhà hoang, 2 cô gái đè và giữ Kiyomi xuống để người bạn trai thực hiện hành vi hiếp dâm cô gái còn trinh nguyên này. Hành xử xong, Katsuji lại tiếp tục ra nhà vệ sinh làm tình với bạn gái mình, trong khi đó Kiyomi thất thần bước lên lầu theo tiếng mèo kêu và cô gái còn lại thì bị hồn ma áo trắng ếm lời nguyền dẫn đi trong hư vô.
Vì quá tủi nhục, Kiyomi trốn trong tủ quần áo và khi ngước mắt nhìn lên gác xếp, cô trông thấy hồn ma áo trắng. Vì là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp nên hồn ma áo trắng không ra tay sát hại Kiyomi, thay vào đó, hồn ma này biến cô thành một con người khác, sống bất cần và sẵn sàng ra tay chống trả lại những kẻ ức hiếp mình.
Sau đó, Kiyomi chủ động quyến rũ Katsuji, thậm chí chủ động đòi quan hệ với anh ta trước mặt cô bạn gái cũ. Cả 2 trốn khỏi căn nhà ma ám, trong khi cô bạn gái kia thì đang sợ hãi tìm kiếm bạn mình. Mãi không thấy bạn trở về, cô nữ sinh này trình báo cho thầy giáo nhưng thầy không tin vì có người nói thấy cô ấy ở quán bar mà các nữ sinh ăn chơi thường hay lui tới. Cô gái này đến đây tìm bạn mình và từ đó cô cũng mất tích mà không ai hay biết. Đây là cái giá phải trả cho những kẻ hãm hại bạn mình chỉ vì lòng đố kị nhỏ nhoi.
Trở lại với Kiyomi, đêm đó cô dẫn Katsuji về nhà và bắt gặp mẹ cô đang làm tình với thầy giáo của mình. Cô không thể ở với một người mẹ như thế nên cô quyết định sống ra ở riêng. Lời qua tiếng lại với mẹ mình, Kiyomi nói Katsuji giết chết mẹ mình nếu không sẽ tung bằng chứng anh hiếp dâm cô. Vì sợ chuyện xấu bị lộ cũng như chịu sự chi phối của lời nguyền, Katsuji đã dùng điện thoại đập chết mẹ người yêu mới mình. Kiyomi xóa mọi dấu vết và rắc tinh trùng của thầy trong chiếc bao cao su ở thùng rác lên người mẹ để đổ lỗi cho thầy. Kết quả, vị giáo viên kia bị bắt, Kiyomi và Katsuji xách balo lên và đi tìm một cuộc sống mới.
4. Lời nguyền vẫn đeo bám Kiyomi và Katsuji năm 1994
6 năm sau, Kiyomi và Katsuji đã sống chung với nhau và có một đứa con. Tuy nhiên giữa hai người thường xuyên cãi vã và Kiyomi bị Katsuji đánh đập như cơm bữa. Cậu con trai thường xuyên trông thấy cảnh này nên cậu bé luôn chạy ra trước nhà, bịt tai lại để không phải nghe những tiếng chửi bới của ba mẹ mình. Những lúc như vậy, cậu bé trông thấy hồn ma áo trắng xuất hiện và chính hồn ma này khiến cậu vẽ những hình ảnh kỳ lạ và phát ra nhưng tiếng kêu lạ thường. Chính vì thế, Katsuji rất bực bội và thường bạo hành chính đứa con của mình.
Trong một lần mất bình tĩnh, Katsuji đã dùng điện thoại bàn đập vào đầu con trai mình khiến cậu bé bị hôn mê và sống đời sống thực vật. Hắn ta sau đó sống chui nhủi đến trốn tránh cảnh sát, trong khi đó Kiyomi quá shock và đau khổ nên làm nghề gái điếm kiếm sống, để mặc đứa bé đang điều trị cho bên bảo trợ xã hội nuôi nấng, chăm sóc.
5. Kết cục của gia đình Kiyomi và vụ án gia đình Masaki năm 1995
Những tưởng lời nguyền của ngôi nhà ma ám đã với đi phần nào nhưng năm 1995 lại đánh dấu nhiều vụ việc khá thương tâm. Đầu tiên đó chính là kết cục của gia đình Kiyomi. Katsuji sau một thời gian lẩn trốn vì túng thiếu nên đã đi bán thận. Trong lúc đang nằm nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe sau khi bán thận, anh nghe thấy tiếng của con trai mình nói anh hãy chạy ngay đi. Anh vội bỏ trốn và may mắn thoát khỏi những kẻ buôn thận đầy đã tâm khi muốn lấy nốt nửa thận còn lại của anh.
Katsuji tìm về nhà Kiyomi vì nghe rằng vợ mình có nhiều ma túy. Lúc này Katsuji kể lại rằng thấy linh hồn con mình đã giúp đỡ anh trốn thoát khỏi lũ người xấu. Tuy nhiên, Kiyomi khẳng định là thằng bé chưa chết và đó không phải là con của Katsuji mà là của hồn ma áo trắng trong căn nhà ma ám đưa cho cô. Katsuji không tin và tiếp tục đòi Kiyomi đưa ma túy cho hắn. Mọi uất hận trong người bộc phát, Kiyomi lừa chồng mình vào chiếc bồn tắm khá sâu rồi nhúng nước giết chết kẻ đã hủy hoại cả thanh xuân của cô.
Tất cả mọi thứ có ý nghĩa với Kiyomi bây giờ đã không còn. Chính vì vậy cô tìm về căn nhà ma ám và mong muốn được quay trở lại thời cấp 3 trước khi những chuyện đau khổ này xảy ra. Đúng lúc đó, hai cô bạn năm xưa đã dụ Kiyomi vào căn nhà hoang này xuất hiện, nắm tay và đưa Kiyomi đi vào trong hư vô. Trường hợp này của Kiyomi cũng tương tự như trường hợp của chị gái Yasuo khi mà hồn ma tại đây đã đáp ứng nguyện cầu của họ.
Bên cạnh câu chuyện của Kiyomi, trong năm 1995 còn có câu chuyện của gia đình Masaki. Keiichi Masaki là một người rất yêu vợ. Trong một buổi sáng đi làm, anh ta bám theo một người đàn ông mà anh đã nghi ngờ từ lâu. Gã đàn ông đó bước vào quán cafe và trò chuyện với vợ của anh – Chie – người đang mang thai những tuần cuối.
Khi trở về nhà sau một ngày làm mệt mỏi, vợ anh giấu giếm chuyện đi gặp người đàn ông kia và tỏ ra lạnh nhạt với anh nhưng anh vẫn bỏ qua vì anh rất yêu thương vợ mình. Những ngày sau đó, cô vợ vấn lén lút qua lại với người đàn ông kia và cả 2 quyết định sẽ nói rõ sự thật với người hôn thê của mỗi bên. Đêm đó, Keiichi Masaki đi làm về và cảm thấy vợ mình đối xử với mình ân cần, kỳ lạ hơn bình thường.
Chưa kịp vui mừng thì Chie đã đề cập thẳng vấn đề là đứa con trong bụng cô không phải của Keiichi mà là của người yêu cũ (gã thường hẹn cafe cùng với Chie mà Keiichi đã nhìn thấy và hắn ta cũng sống với vợ trong chính ngôi nhà ma ám). Cô ấy vốn không yêu Keiichi nhưng tin rằng Keiichi rất yêu mình nên chắc anh sẽ chấp nhận điều này.
Quá shock vì sự thật trên, Keiichi uống nốt ly rượu và nói vợ cũng làm một ly, sau đó cả 3 người (bao gồm cả đứa con trong bụng) sẽ chết chung. Ngay lúc đó, Keiichi cảm nhận thấy ly rượu mình vừa uống là ly rượu độc mà vợ anh đã chuẩn bị sẵn. Anh chạy vào nhà vệ sinh cố gắng nôn chất độc ra hết thì Chie đã theo sau và cầm dao tính giết chết anh. Hai người vật lộn qua lại và cuối cùng khi cơn tức giận trào dâng, Keiichi đã kết liễu mạng sống cua người vợ ngoại tình.
Anh đau khổ quỳ bên xác vợ. Không hiểu vì sao anh nhìn vào cái bụng bầu của vợ và ngay lập tức nghĩ ra ý định mổ bụng vợ để cứu đứa trẻ. Đứa trẻ chưa đủ tháng được đưa ra ngoài cất tiếng khóc ai oán. Keiichi vội mang đứa trẻ sang căn nhà ma ám – nơi mà kẻ ngoại tình với vợ anh sinh sống. Mục đích của anh là bàn giao con cho gã đàn ông ấy rồi anh sẽ đi tự thú. Trời mưa tầm tã và cửa nhà ma ám thì khóa chặt, anh ngồi ngoài hiên và phát hiện ra đứa trẻ sơ sinh ấy đã qua đời.
Keiichi chôn đứa bé ở ngoài vườn thì có một người phụ nữ xuất hiện đưa anh vào nhà và mời anh ăn mì gói. Keiichi ăn xong và đi đầu thú với cảnh sát về việc giết vợ mà không biết rằng gã đàn ông ngoại tình cũng đã giết vợ rồi treo cổ tự vẫn trong căn nhà ma ám ấy. Có thể người phụ nữ mời Keiichi vào nhà là linh hồn của người vợ gã ngoại tình, mời anh ăn bát mì vì đồng cảm với hoàn cảnh và cách ứng xử của anh.
Tại trụ sở cảnh sát, Keiichi bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại – thứ được bỏ vào bụng vợ anh sau khi anh lấy đứa trẻ ra. Đêm đó, Keiichi thấy một đứa bé đỏ hỏn ăn thức ăn tù của anh, sau đó nó từ từ bò vào miệng của anh. Theo Ghiền review, sáng hôm sau, người ta sẽ phát hiện ra xác của Keiichi trong tù với hình dạng lúc chết y như cái chết của chồng sắp cưới của Haruka.
Cùng lúc này, thông qua sự giúp sức của mẹ chồng sắp cưới thông qua hình thức cầu cơ, Haruka đã tìm ra được địa chỉ của căn nhà ma ám và báo cho Yasuo. Yasuo nhận ra đây chính là căn nhà anh đã sống cách đó 35 năm trước.
6. Vụ án gia đình Tomoko năm 1997
2 năm sau, một cặp vợ chồng trẻ chuyển đến căn nhà ma ám sinh sống. May mắn cho họ là lần này Yasuo đã đến để cảnh báo cho họ về việc những ai sống ở đây sẽ gặp những điều không lành. Tuy nhiên anh Tomoko không tin điều này nên đã đuổi Yasuo đi. Đêm đó, hai vợ chồng Tomoko gặp nhiều hiện tượng kỳ lạ và ngay lập tức sáng hôm sau họ đã mời Yasuo đến giúp đỡ.
Yasuo mời Haruka và mẹ chồng chưa cưới của cô đến căn nhà ma ám. Yasuo, bà mẹ và anh Tomoko lên gác xép làm lễ cầu cơ trong khi đó Haruka ở lại dưới nhà cùng với vợ Tomoko. Đúng lúc này, hồn ma của tên biến thái năm 1952 xuất hiện, tái hiện lại những gì đã xảy ra lúc đó cho Haruka chứng kiến. Vợ Tomoko bị shock tinh thần khi chứng kiến cảnh trên nên được nhập viện. Tomoko chưa tin điều xảy ra nên không đi với vợ anh mà đi lang thang ra đường để rồi biến mất như cách cha Yasuo biến mất cách đó 37 năm.
Phim không đề cập gì đến mẹ chồng của Haruka nhưng có vẻ bà ta cũng mất tích khi ở lại trên gác xép. Bà báo mộng cho Haruka hãy chôn những gì liên quan đến căn nhà đó ở khu đất sau vườn. Đêm đó, Haruka đem cuộn băng cô ghi âm những âm thanh kỳ lạ trong nhà cô chôn tại vườn căn nhà ma ám. Đột nhiên cô nghe tiếng trẻ em khóc và sau đó cô bị tên biến thái năm 1952 bắt cóc kéo vào căn nhà.
>>>>>Xem thêm: Review phim Con tin: Ngôi sao mất tích – Kịch tính với phản diện ấn tượng
Từ việc tóm tắt cốt truyện theo mạch tuyến tính nêu trên, Ghiền review có thể đưa ra các nhận xét như sau:
- Toàn bộ câu chuyện mà chúng ta được xem đều được lấy ra từ cuốn sách của Yasuo vì vậy có thể sẽ có những tình tiết hư cấu. Cách lý luận này có thể giúp giải thích được những tình tiết khó hiểu và bí ẩn trong phim.
- Ju-On: Origins mang đậm chất kinh dị của các ma quỷ phương Đông. Theo đó, dù thời gian trôi qua nhưng căn nhà ma ám vẫn có sự hiện hữu của rất nhiều người đã từng xuất hiện tại căn nhà. Đó chính là sự lặp đi lặp lại của một cảnh trong quá khứ và nó vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng từng chi tiết như thế ở hiện tại, tương tự như một cuốn phim được phát đi phát lại nhiều lần ngày qua ngày vậy.
- Chiếc điện thoại bàn là một vật then chốt trong toàn bộ câu chuyện của Ju-On: Origins như thể nó chính là vật truyền dẫn giữa cõi âm và cõi dương trong phim.
- Có một sự trùng hợp thú vị giữa các nạn nhân trong ngôi nhà ma ám. Haruka có kết cục y như cô gái bị bắt cóc và cưỡng hiếp năm 1952; cha của Yasuo và anh Tomoko biến mất như nhau; chồng chưa cưới của Haruka có tư thế chết giống tư thế chết của Keiiche; Kiyomi và những người bạn của cô biến mất vào hư không tương tự chị gái của Yasuo. Điều này cho thấy một dụng ý của nhà làm phim về hậu vận của từng nhóm người trong xã hội và căn nhà như thể là nơi chất chứa cho những vong hồn có những oan khất trong lòng.
- Còn có giả thiết cho rằng bóng đen xuất hiện trong ký ức của Yasuo chính là Kiyomi. Căn nhà ma ám là một vòng lặp thời gian nên nó bất chấp quy luật thời gian. Kiyomi đến căn nhà ma ám nhìn vào bên trong. Cùng lúc Yasuo 5 tuổi nhìn qua cửa kính chỉ thấy một bóng đen với đôi mắt trắng xóa. Kiyomi đập kính xông vào, cô lấy đứa trẻ và bỏ đi. Đứa trẻ ấy được Kiyomi nuôi dưỡng và Katsuji tưởng đó là con mình nhưng thực chất là đứa con mà hồn ma áo trắng đã trao cho Kiyomi.
- Còn rất nhiều câu hỏi mà phim chưa lý giải và người xem vẫn còn thắc mắc sau khi xem xong phim? Hãy cùng đợi phần 2 để có câu trả lời thỏa đáng các bạn nhé.
Trên đây là những giải thích của Ghiền review về Ju-On: Origins. Nếu như bạn nào có cách lý giải khác hoặc phát hiện ra nhiều tình tiết lý thú thì đừng quên comment ở dưới bài viết này nhé.
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
Post Views: 8.423
Bài viết liên quan: