Thời lượng: 104 phút
Bạn đang đọc: Review phim Tumbbad (2018) – Cái giá của lòng tham
Đạo diễn: Rahi Anil Barve, Anand Gandhi
Diễn viên: Sohum Shah, Jyoti Malshe, Anita Date
Quốc gia: Ấn Độ
Thể loại: Kinh dị, Thần thoại, Giả tưởng
Khởi chiếu: 20/03/2020
Đây là bộ phim kinh dị của điện ảnh Ấn Độ được nhiều giải thưởng điện ảnh đánh giá cao và một số người còn nhận định rằng phim có thể sánh ngang tầm với bộ phim The Platform – Hố sâu đói khát của điện ảnh Tây Ban Nha đang làm mưa làm gió trên Netflix thời gian qua đó các bạn ạ.. Cảm nhận của Ghiền review sau khi xem Tumbbad (2018) thì thấy phim không giống thể loại kinh dị mà giống truyện cổ tích hơn. Nào, hãy cùng Ghiền review phim Cái giá của lòng tham để tìm hiểu rõ hơn về bộ phim này nhé.
Cốt truyện: Phim lấy bối cảnh vào năm 1918 tại vùng Tumbbad của Ấn Độ. Vinayak sống cùng mẹ và em trai trong nghèo khổ nên cậu luôn mong muốn tìm kiếm được kho báu trong lâu đài của người bác già Sarkaar. Tuy nhiên vì một số biến cố nên cả nhà phải chuyển đi nơi khác sống và mẹ của Vinayak cấm cậu bén mảng đến tòa lâu đài đó. Mãi cho đến 14 năm sau, Vinayak quay trở lại Tumbbad và quyết tâm tìm ra được vàng tại nơi đây cho dù có phải đối diện với quỷ dữ. Điều gì sẽ xảy đến với Vinayak? Xem phim để có câu trả lời các bạn nhé.
Thực sự thì để các bạn hiểu về bộ phim này, có lẽ Ghiền review phải hơi spoil nội dung phim một xíu bởi vì hầu hết các bản dịch trên mạng đều bị nhầm lẫn một xíu khiến người xem khó hiểu về câu chuyện của Tumbbad (2018). Theo phim thì trong đạo Hindu, Nữ thần thịnh vượng là người hình thành nên thế giới của loài người. Trái đất được bà tạo ra trong tử cung của bà và đây cũng là nơi nữ thần cất giữ vàng bạc và lương thực. Bà có 16 đứa con, trong đó Hastar là con trai đầu lòng và cũng là đứa mà bà ta yêu quý nhất.
Tuy nhiên Hastar lại vô cùng xấu xa và tham lam nên hắn đã cướp vàng và lương thực của mẹ mình. Nữ thần làm ngơ chuyện Hastar trộm vàng nhưng khi hắn đụng chạm đến lương thực (thứ nuôi sống các vị thần và con người), những người anh em của hắn đã nổi trận lôi đình và dạy cho Hastar một bài học. Vì bị đánh hội đồng nên Hastar khó bề sống sót nhưng mẹ hắn đã đến giải cứu, đổi lại Hastar sẽ mãi mãi phải ở trong tử cung của nữ thần cũng như không bao giờ được con người thờ phụng.
Thế nhưng dòng họ của Vinayak từ xa xưa đã đi ngược với truyền thuyết trên bằng việc thờ phụng Hastar và mong cầu sẽ có được nhiều vàng bạc từ vị thần này. Có lẽ như dòng họ này đã tìm ra được cách để lấy vàng của Hastar nên họ trở nên dòng có, xây dựng được biệt thự nguy nga nhưng thần linh nổi giận nên thiên tai, mưa bão trút xuống Tumbbad suốt ngày suốt đêm.
Cách họ lấy vàng của Hastar như sau. Chui vào bên trong chiếc hộp là tử cung của Nữ thần thịnh vượng, quăng cục bột để dụ Hastar tới ăn (vì lúc xưa Hastar chưa kịp lấy lương thực là đã bị đánh rồi) và nhân cơ hội đó giựt lấy túi vàng mà Hastar đã cướp được từ mẹ hắn. Nếu như không nhanh nhẹn và khéo léo mà để Hastar cắn phải, người đó sẽ bị biến thành một dạng giống zombie. Loại xác sống này rất sợ nhắc đến tên của Hastar nên chỉ cần đọc câu thần chú trên là họ sẽ tự động lăn ra ngủ.
Cha của Vinayak mất sớm nhưng phim không nêu rõ lý do. Vì vậy để mưu sinh, mẹ của Vinayak phải hầu hạ anh rể mình là Sarkaar, thậm chí là phục vụ cả tình dục cho ông. Đồng thời, ba mẹ con Vinayak cũng phải chăm sóc bà nội thay cho Sarkaar vì bà này đang ở trạng thái zombie mà nguyên do là bà đã bị Hastar cắn trong một lần leo xuống kiếm vàng.
Việc Ghiền review tóm tắt nền tảng cốt truyện như trên chắc hẳn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về câu chuyện của Tumbbad (2018). Ở ngoài đời thực, có một ngôi làng tên là Tumbbad luôn í các bạn ạ, tuy nhiên ngôi làng này không hề chịu thiên tai quanh năm hay cất giữ kho báu truyền thuyết như trong phim đâu nè. Đồng thời, ở Hindu giáo, không có một vị thần nào tên là Hastar cả vì vậy những gì mà phim nêu ra chỉ là hư cấu thôi nha.
Tìm hiểu thêm: Review phim Sát thủ AVA (2024) – Tẻ nhạt và nửa mùa
Mặc dù vậy, cái hay của phim đó chính là biến những yếu tố giả tưởng ở trên trở nên vô cùng chân thật, khiến khản giả tin vào câu chuyện này và từ đó tự mình tạo cảm giác sợ hãi khi xem phim. Tuy được xếp vào thể loại kinh dị với nhiều phân cảnh máu me và tạo hình đáng sợ của quỷ dữ, nhưng theo cảm nhận của Ghiền review thì những tình tiết này còn khá nhẹ đô và thậm chí không có một cảnh phim nào khiến Ghiền review giật mình hết.
Thay vào đó, với kết cấu ba phần và cách kể chuyện huyền bí cùng với cái kết để lại nhiều bài học ý nghĩa, Ghiền review cảm thấy rằng Tumbbad có màu sắc giống như một câu chuyện cổ tích nhiều hơn là một bộ phim điện ảnh. Dù không có nhiều cao trào, các tình tiết cứ thế diễn ra đều đều và yếu tố bất ngờ không cao nhưng phim lại có sức hút kỳ lạ đối với người xem. Có lẽ khán giả tò mò mong chờ xem cái giá phải trả của lòng tham là gì nên họ vẫn cố gắng xem đến tận phút cuối cùng của phim.
Quả thật, mãi cho đến cuối phim chúng ta mới thấy được cái giá phải trả cho lòng tham là gì. Tuy nhiên thông điệp này chưa đủ mạnh để người xem phải trăn trở suy nghĩ và có hành vi thay đổi. Nguyên nhân của nhận định trên là vì theo như Tumbbad, nhờ lòng tham mà suốt mười mấy năm, Vinayak đã được sống trong nhung lụa, vàng bạc và giàu có. Mãi cho đến khi già yếu, ông mới phải trả giá cho lòng tham của mình. Điều này của phim vô tình cổ súy cho việc chúng ta hãy cứ tham lam đi, bởi vì có như vậy chúng ta mới giàu mà giàu thì chưa chắc đã sướng nhưng nghèo thì chắc chắn sẽ khổ.
Ngoài việc đề cập đến lòng tham, Tumbbad còn gián tiếp nói về sự phân biệt đối xử đối với nữ giới, đặc biệt là sự cam chịu của những người vợ ở xã hội Ấn Độ trước giải phóng. Cái kết của phim có thể được xem là tương đối mở và biết đâu sẽ có phần tiếp theo của phim thì sao? Ghiền review nhận thấy cốt truyện phim chỉ dừng lại ở mức bình thường, so với truyện cổ tích Việt Nam chiếu trên HTV thì còn kém xa. Vì vậy, mình chấm phần này 6.5/10 nhé.
Hình ảnh – âm thanh: Tạo hình thần Hastar trong Tumbbad trông khá đáng sợ nhưng sự hù họa của nhân vật này khá thấp do đó người xem không cảm thấy sợ hãi một chút nào hết. Tử cung của nữ thần thịnh vượng được dàn dựng hơi xấu, nhìn hao hao kỹ xảo năm 1986 của phim Tây Du Ký í các bạn ạ. Thiết kế trang phục và tạo hình của các nhân vật khá thú vị và mới lạ đối với phim Ấn Độ, từ đó giúp phim mang màu sắc thần thoại tốt hơn. Âm thanh của phim tạm ổn, tạo được một chút không khí kịch tính và căng thẳng cho phim. Ghiền review chấm phần này 7/10 nha.
Diễn xuất: Ghiền review không đánh giá cao về màn diễn xuất của các diễn viên trong phim Tumbbad bởi vì mình cứ có cảm giác như họ đang diễn kịch hơn là đóng phim. Mặc dù được tạo hình khá đẹp và quái lạ nhưng hình tượng của các nhân vật chưa được xây dựng tốt và không thực sự để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Thật khó để đánh giá các nhân vật trong phim là tốt hay là xấu nữa, cứ lửng lơ, vô định như chính mạch phim vậy. Do đó, Ghiền review chấm phần diễn xuất của phim 6.5/10.
>>>>>Xem thêm: Review phim Infinite (2024): Tập trung vào kỹ xảo mà quên đi nội dung
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 8.3/10 (20.888 đánh giá)
- Google: 96/100
Tóm lại, Tumbbad (2018) – Cái giá phải trả của lòng tham là một món ăn khá lạ đến từ điện ảnh Ấn Độ. Thay vì mang đến cảm giác sợ hãi như các bộ phim thuộc thể loại kinh dị, Tumbbad lại dẫn người xem bước vào một thế giới ngập tràn màu sắc cổ tích. Nếu như bạn yêu thích về thần thoại của Ấn Độ cũng như muốn đổi khẩu vị xem phim thì đây là một trải nghiệm thú vị mà bạn nên thử. Đừng quá kỳ vọng phim có nhiều tầng ý nghĩa như The Platform nhé, bởi vì nếu vậy bạn sẽ hơi bị thất vọng đấy.
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
3/5 – (1 bình chọn)
Post Views: 8.753