Trong mắt nhiều người, tiếp viên hàng không là một công việc đáng mơ ước. Lương cao, được mặc đẹp, check-in tại nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, còn gì sung sướng cho bằng. Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ bề nổi của công việc mang tiếng hào nhoáng này. Ẩn phía sau là những nỗi vất vả mà không phải ai cũng biết đến.
Bạn đang đọc: Thiếu ngủ ở tiếp viên hàng không – chuyện thường như cơm bữa
Theo một cuộc khảo sát của đại diện hãng hàng không Hoa Kỳ, gần 90% tiếp viên hàng không gặp phải tình trạng khó ngủ ít nhất một lần trong tuần, 33.8% tiếp viên hàng không phải dùng đến thuốc ngủ mỗi lần một tuần hoặc hơn. Trung bình một ngày, họ chỉ ngủ được 6 tiếng. Trong khi đó, Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ đã khuyến cáo mọi người cần ngủ đủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày để không gặp bệnh tật. Vậy, vì sao rối loạn giấc ngủ ở tiếp viên hàng không lại trở nên phổ biến đến thế? Theo dõi bài viết này để có ngay câu trả lời
Contents
1. Lệch múi giờ – chuyện thường như cơm bữa
Ăn sáng tại Sài Gòn, chiều check in trên quảng trường châu Âu, tối khuya lại đang vi vu đâu đó trên bầu trời nước Mỹ, cứ như thế, lệch múi giờ là một chuyện xảy ra thường xuyên như cơm bữa đối với tiếp viên hàng không.
Lệch múi giờ là sự mất điều hòa nhịp điệu sinh học của cơ thể về thói quen ăn, ngủ. Hiện tượng này thường xảy ra khi con người đi máy bay quãng đường xa tới những nơi có độ chênh lệch về múi giờ (thường là trên 3 tiếng).
Từ Việt Nam nếu đi về phía tây, do giảm múi giờ, cơ thể bạn sẽ thấy buồn ngủ sớm nhưng lại cảm giác như ngày dài hơn bình thường.
Trái lại, khi di chuyển về phía đông như Mỹ hay Canada, bạn sẽ khó ngủ do cảm giác như đêm đến sớm hơn, từ đó mệt mỏi khi làm việc vào các ngày tiếp theo.
Vì đặc thù công việc phải di chuyển liên tục giữa các quốc gia có các múi giờ khác nhau, tiếp viên hàng không luôn sống trong tình trạng lệch múi giờ, từ đó dẫn đến các căn bệnh rối loạn giấc ngủ triền miên.
2. Thời gian làm việc chẳng giống ai!
Không giống như những ngành nghề khác, thời gian làm việc của tiếp viên hàng không chẳng bao giờ được cố định. Khi thì phải bay vào sáng sớm, lúc lại bay vào giữa trưa, có khi giữa đêm đã phải lọ mọ thức dậy để kịp giờ khởi hành. Đối với họ, khái niệm ngày hay đêm, trong tuần hay cuối tuần, ngày thường hay lễ tết, tất cả đều giống nhau, có ca bay là phải đi làm. Chuyện ngủ đúng giờ đủ giấc với tiếp viên hàng không quả là một điều quá xa xỉ.
Để có thể sinh tồn với nghề nghiệp đặc biệt này, ngủ “dã chiến” là một hình thức chữa cháy được rất nhiều tiếp viên hàng không lựa chọn. Bất kể ngày hay đêm, trước lúc bay, họ sẽ tranh thủ chợp mắt để lấy sức phục vụ hành khách.
Và thói quen ngủ bất kể ngày đêm này đã khiến cho cho tình trạng rối loạn giấc ngủ của tiếp viên hàng không ngày càng trầm trọng. Tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, hay mất ngủ vào ban đêm là một chuyện thường xuyên xảy ra với tiếp viên hàng không.
Đừng bỏ lỡ: Thiếu ngủ ở giáo viên – Nỗi niềm ít ai biết đến
3. Làm việc liên tục 12 tiếng một ngày, đêm chỉ ngủ 4 – 5 tiếng
Đối với tiếp viên hàng không, việc bay bốn chuyến bay khác nhau, làm việc liên tục 12 tiếng một ngày, bất kể cuối tuần hay lễ tết là chuyện quá đỗi bình thường.
Bạn có thể nghĩ trong 12 tiếng này, tiếp viên sẽ được nghỉ ngơi hoặc chợp mắt đôi lúc. Nhưng không, 12 tiếng làm việc đúng nghĩa là 12 tiếng làm việc. Hàng tá công việc đang xếp hàng chờ họ từ lúc lên máy bay cho đến lúc hạ cánh. Nào là kiểm tra an ninh, nào là chỉ dẫn ghế ngồi và sắp xếp hành lý, nào phục vụ thức ăn nước uống, đến cả việc chùi rửa toilet, hốt rác cũng do tiếp viên làm. Thế nên, không hề có chuyện tiếp viên hàng không sẽ được “ngủ bù” trong giờ làm việc. Ngủ gục đồng nghĩa với việc họ sẽ bị khiển trách và trừ lương.
Lịch trình làm việc dày đặc khiến thời gian ngủ nghỉ của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Thậm chí, vào những mùa cao điểm, một ngày tiếp viên hàng không chỉ có thể ngủ được từ 4 – 5 tiếng. Trong khi đó, cơ thể con người cần ít nhất 7 – 8 tiếng ngủ say để phục hồi năng lượng
Tìm hiểu thêm: Làm thế nào để có giấc ngủ ngon giữa thời tiết oi bức ngày hè?
4. Kìm nén cảm xúc
Từ lâu, bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh các anh chàng, cô nàng tiếp viên xinh đẹp luôn nở nụ cười tươi tắn trên môi. Mọi người vẫn thường nghĩ, được làm tiếp viên chắc là hạnh phúc lắm, có hạnh phúc mới tươi cười rạng rỡ đến thế. Nhưng thực tế, nụ cười kia là một yêu cầu bắt buộc của nghề nghiệp.
Dù cho cơ thể mệt mỏi rũ rượi, dù cho gia đình đang có chuyện buồn, dù cho hành khách có khó chịu quát nạt, tiếp viên vẫn phải mỉm cười thật tươi tiếp tục công việc. Một khi khoác áo tiếp viên, họ không đơn thuần là những người phục vụ chuyến bay.
Chính xác hơn, họ là những gương mặt đại diện. Đại diện cho hãng bay, đại diện cho đất nước, đại diện cho cả một văn hóa. Việc bộc lộ cảm xúc cá nhân được cho là rất thiếu chuyên nghiệp.
Biết bao sự mệt mỏi, buồn bã, chán nản đều được họ khóa chặt bằng một nụ cười rạng rỡ. Cảm xúc không được giải tỏa cứ như một bóng ma âm thầm ám ảnh họ kể cả trong giấc ngủ. Theo Adrianna – một tiếp viên hàng không lâu năm của Mỹ tâm sự : “Chúng tôi không được phép thể hiện cảm xúc thực sự của mình. Tôi từng chửi thề và hét toáng lên trong giấc ngủ vì không được phép thể hiện cảm xúc trong suốt cả ngày”
5 Stress từ công việc
Tiếp viên hàng không là một trong những ngành có tỷ lệ sa thải khá cao. Sau quá trình đào tạo khắt khe, tiếp viên hàng không phải trải qua một chuỗi thử thách trong vòng 6 tháng, vượt qua được 6 tháng mới được phép ký hợp đồng. Ngay cả khi đã trở thành tiếp viên chính thức, họ rất dễ bị sa thải bởi những nguyên nhân nhỏ nhặt như đi trễ, đồng phục chưa chỉnh chu, tác phong không gọn gàng…
Bên cạnh áp lực sa thải, tiếp viên hàng không còn luôn nơm nớp lo sợ về những rủi ro như bão táp, khủng bố, sự cố máy bay… Một khi có điều không lành xảy ra, tiếp viên hàng không là những người đầu tiên đặt sự an toàn của hành khách lên trên cả sự an toàn của chính bản thân.
Chưa kể, với lịch trình làm việc không giống ai, họ phải hy sinh rất nhiều niềm vui cá nhân. Lễ lộc, tết nhất, khi mọi người đang sum họp với người thân và gia đình, họ còn bận…rong ruổi trên một bầu trời phương xa nào đấy. Tình cảm gia đình cũng vì đó mà đôi lúc bị sứt mẻ
Tất cả những lý do trên đã khiến các tiếp viên hàng không thường xuyên bị stress. Và stress là một trong những kẻ thù hàng đầu của giấc ngủ. Giờ ngủ đã ít, nay cả chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng dưới tác hại của stress.
>>>>>Xem thêm: Đừng chủ quan: 5 Tác hại của việc ăn đêm với sức khỏe
Đọc thêm: https://vuanem.com/blog/cong-viec-gay-thieu-ngu.html
Mọi người chỉ thường nhìn vào bề ngoài hào nhoáng của tiếp viên hàng không và cho rằng ngành nghề này thật sung sướng. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy đều là phần nổi của tảng băng chìm. Nghề nào cũng có mặt trái của nó. Khi đã làm tiếp viên hàng không, họ đành chấp nhận những thứ tưởng chừng bình thường như giấc ngủ, miếng ăn, thậm chí sự an toàn của bản thân sẽ không được đảm bảo. Hiểu được nỗi khổ của tiếp viên hàng không, hãy cảm thông và vị tha cho họ hơn, bạn nhé!